Thành lập TP.Thủ Đức - 'Thành phố trong thành phố'
Sáng 31-12, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Tham sự sự kiện lịch sử này, tại trụ sở UBND quận 2 - điểm cầu chính - có hơn 400 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và TP cùng các đại biểu tiêu biểu, để dự lễ công bố Nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức. Ngoài ra, tại hai điểm cầu trực tiếp cho cán bộ và người dân tại quận 9 và Thủ Đức có khoảng 750 người tham dự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM cho lãnh đạo TP.HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Uông Chu Lưu cho biết thành lập TP.Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM trong hội nhập quốc tế, và đề nghị TP.HCM sớm trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng thành phố cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao, tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết bên cạnh các thành tựu phát triển trong thời gian qua, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đánh giá thực tế tăng trưởng kinh tế bình quân TP giai đoạn 2011 - 2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần.
Theo đó, hoàn thiện cơ chế tài chính - ngân sách và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 là hai nhiệm vụ cho phát triển lâu dài của TP
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP.Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0 và theo quy hoạch sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới.
"Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy, với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao... thì TP.Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế'', ông Nhân nhấn mạnh trong phát biểu tại sự kiện trên.
Ông Nhân cho rằng, trong nhiệm kỳ XIV, Quốc hội đã có hai nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một nghị quyết tạo nên sự đột phá về thể chế phát triển của TP.HCM.
Cụ thể là Nghị quyết 54 năm 2017 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết 131 năm 2020 về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM và Nghị quyết 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức.
"Đây là sự đột phá về thể chế phát triển TP.HCM trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TP trong 25 năm tới, vì cả nước, cùng cả nước", ông Nhân nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ: “Chúng ta đang chứng kiến một thời khắc lịch sử, công bố sự ra đời của TP.Thủ Đức”.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 tách ra từ huyện Thủ Đức từ năm 1997 và không ngừng phát triển. Hiện ở 3 quận có nhiều kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội được xây dựng, diện mạo đô thị ngày càng thay đổi tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Nhấn mạnh việc thành lập TP.Thủ Đức là sự kiện đặc biệt quan trọng của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, đây là mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm giúp khu vực phía Đông TP.HCM sớm trở thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp vươn lên tầm quốc tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 7-2-2021 bộ máy của TP.Thủ Đức chính thức được thành lập, theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: từ ngày 1-1-2021 đến ngày 7-2-2021, hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất. Đến ngày 7-2-2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP.Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động.
Giai đoạn 2: từ ngày 7-2-2021 đến ngày 23-5-2021, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; đồng thời, thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức với nguyên tắc không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Giai đoạn 3: sau ngày 23-5-2021, các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP.Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Trước mắt, TP.HCM sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nhằm tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của TP.Thủ Đức, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thanh-lap-tp-thu-duc-thanh-pho-trong-thanh-pho-post54308.html