Thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027. Ủy ban có nhiệm vụ điều phối toàn diện công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động trong Năm APEC.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027. Ảnh: VGP.

Theo thông tin đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 10/7 thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động liên quan của Năm APEC 2027.

Ủy ban do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch. Hai Phó chủ tịch gồm Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Phó chủ tịch Thường trực) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ủy ban có 20 thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và đại diện một số địa phương, trong đó có An Giang - nơi dự kiến đăng cai một số hoạt động APEC.

Ủy ban gồm 5 Tiểu ban chuyên trách và Ban Thư ký gồm: Tiểu ban nội dung do Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đồng chủ trì; tiểu ban vật chất - hậu cần do Văn phòng Chính phủ chủ trì; tiểu ban an ninh - y tế do Bộ Công an chủ trì; tiểu ban tuyên truyền - văn hóa và tiểu ban lễ tân do Bộ Ngoại giao chủ trì.

Ban thư ký là bộ phận thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia, do Bộ Ngoại giao chủ trì và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban, có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Công Thương.

Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia

Cùng ngày, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 1508/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia APEC 2027, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó chủ tịch, các ủy viên, trưởng các tiểu ban và Ban thư ký.

Ủy ban họp định kỳ mỗi quý; trong năm 2027, đặc biệt trước và trong Tuần lễ Cấp cao APEC có thể họp thường xuyên hoặc đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch. Kết luận cuộc họp được Ban thư ký phối hợp Văn phòng Chính phủ tổng hợp, thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai.

Các tiểu ban và Ban thư ký hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng nguồn lực hiện có tại đơn vị mình để phục vụ APEC 2027. Các đơn vị có trách nhiệm báo cáo tiến độ định kỳ cho lãnh đạo Ủy ban và đồng thời gửi về Ban thư ký để tổng hợp, điều phối chung.

Phân công tổ chức các sự kiện

Theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg, Ủy ban Quốc gia chủ trì tổ chức các hoạt động chính như Tuần lễ Cấp cao, 4 đợt Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) và các cuộc họp liên quan. Có thể cân nhắc tổ chức gộp các sự kiện gần thời điểm để tiết kiệm nguồn lực.

Các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn chủ trì tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, cuộc họp nhóm công tác ngoài khuôn khổ SOM, theo sự phê duyệt của Ủy ban.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Đối thoại của lãnh đạo cấp cao với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội nghị ABAC và các hoạt động doanh nghiệp khác, cũng theo sự phê duyệt của Ủy ban Quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2027 tổ chức tại đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang với chủ đề "Kết nối, xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường" sẽ là một sự kiện quan trọng, đánh dấu vai trò của Việt Nam trong khu vực và mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Đồng thời là cơ hội để Phú Quốc trở thành một trung tâm hợp tác kinh tế, xã hội và giao thương toàn cầu

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thanh-lap-uy-ban-quoc-gia-apec-2027-43876.html