Thanh Liêm quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa

Những năm gần đây, việc phát triển văn hóa nói chung và phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư ở Thanh Liêm được quan tâm phát triển, góp phần từng bước xây dựng văn hóa, con người Thanh Liêm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên địa bàn huyện có tổng số 40 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, việc tôn tạo, nâng cấp và bảo vệ các di tích trên địa bàn huyện đã được quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp diễn ra từ nhiều năm. Với nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, xây mới.

Trên thực tế, để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Huyện ủy, UBND huyện cụ thể hóa thông qua hàng loạt các văn bản chỉ đạo, như: Kế hoạch phát triển văn hóa - thông tin; Quy hoạch phát triển văn hóa huyện Thanh Liêm đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Đơn vị văn hóa và Thiết chế văn hóa cơ sở huyện Thanh Liêm”…

Xuất phát từ nhận thức: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển văn hóa để bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện luôn đề cao và quan tâm tới việc phát triển văn hóa.

Chia sẻ về vấn đề này, hầu hết lãnh đạo các địa phương trên địa bàn huyện đều khẳng định: Chính từ nhận thức về phát triển văn hóa trong đời sống xã hội được nâng cao nên việc phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tham gia xây dựng văn hóa nói chung, đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, giúp cho vị trí của văn hóa ngày càng được thể hiện rõ hơn trong đời sống xã hội; nhiều giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống được phát triển, làm phong phú hơn các phạm trù văn hóa.

Làng văn hóa thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm là điểm sáng trong duy trì và giữ vững các tiêu chí về phát triển văn hóa.

Làng văn hóa thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm là điểm sáng trong duy trì và giữ vững các tiêu chí về phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, Thanh Liêm còn tập trung nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Nhân dân trong toàn huyện đã tích cực hưởng ứng việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trên cơ sở gắn kết với thực hiện các hương ước truyền thống. Nhiều nơi, các quy định về cưới hỏi, mừng thọ, hội hè… theo nếp sống mới có hiệu ứng tốt trong đời sống xã hội.

Ông Đinh Thế Năng (thôn Đoan Vỹ, xã Thanh Hải) cho biết: Thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền, người dân địa phương hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM. Như nhiều địa phương khác, người dân thôn Đoan Vỹ chúng tôi trước đây cũng có riêng cho mình những phong tục, tập quán và cả những hủ tục, tưởng chừng như không bao giờ có thể bỏ được. Bước vào thời kỳ mới, chúng tôi đã nhận thức được cái gì là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ, cái gì là hủ tục lạc hậu đáng phải bài trừ. Tất cả điều này thể hiện rất rõ trong hương ước của thôn. Đến nay, trong thôn không còn tồn tại những hủ tục, đời sống văn hóa được cải thiện đáng kể.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa vì thế luôn nhận được sự quan tâm của người dân. Hằng năm, toàn huyện có khoảng 97% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, gần 100% thôn, xóm, tiểu khu đạt danh hiệu Làng văn hóa. Nhiều địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2015 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, chú trọng đến việc nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nâng cao trách nhiệm của các thành viên xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Với nhận thức đúng đắn về phát triển văn hóa, cũng như sự đóng góp tích cực bằng công sức, tiền của, vật chất từ nhiều phía, hàng loạt các giá trị văn hóa, di sản văn hóa trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực được gìn giữ, bảo tồn. Chỉ tính riêng trong hoạt động bảo tồn các di tích, trên cơ sở thường xuyên có sự khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích, cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ việc tôn tạo, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp đối với các công trình xuống cấp.

Trên địa bàn huyện có tổng số 40 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, việc tôn tạo, nâng cấp và bảo vệ các di tích trên địa bàn huyện đã được quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp diễn ra từ nhiều năm. Với nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều di tích đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nâng cấp, xây mới. Hằng năm, huyện còn chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương có các di tích đứng chân đã nằm trong danh sách kiểm kê của UBND tỉnh và có đủ điều kiện tiến hành lập thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Việc tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của di tích văn hóa, di tích lịch sử đáp ứng được sự mong mỏi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương trong việc phát triển các địa điểm này thành nơi sinh hoạt cộng đồng, để người dân được trao đổi văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh và là nơi để giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" cho các thế hệ con em địa phương và bà con xa quê… Với sự góp mặt của nhiều di tích, di sản văn hóa không chỉ mang tới cho các cấp, ngành, người dân Thanh Liêm niềm tự hào, mà còn đặt ra nhiều mục tiêu cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái, tham gia các hoạt động lễ hội, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân các địa phương.

Cùng với đó, huyện Thanh Liêm cũng xác định tập trung đẩy mạnh các phong trào văn hóa - văn nghệ (VHVN), thể dục - thể thao (TDTT) quần chúng, coi đây là hạt nhân nâng cao chất lượng phát triển văn hóa chung. Hỗ trợ người dân các địa phương tích cực tham gia và phát triển các phong trào, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư đúng mức.

Theo đó, cấp huyện hiện có 1 nhà văn hóa trung tâm, 1 thư viện, 1 sân vận động đủ tiêu chuẩn, 1 nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá; 100% các xã có nhà văn hóa, khu thể thao xã; 100% thôn, xóm, tiểu khu có nhà văn hóa, khu thể thao thôn, hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ hội họp, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền da, sân bóng chuyền hơi và sân cầu lông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập luyện và tổ chức các giải thi đấu TDTT.

Hiện tỉ lệ người tham gia hoạt động VHVN, tập luyện TDTT thường xuyên tại các xã, thị trấn ngày càng tăng. Đến nay mỗi xã, thị trấn đã có ít nhất 1 đội văn nghệ tổng hợp; toàn huyện có hàng chục CLB VHVN, CLB hát dân ca và chèo, CLB thơ ca, CLB hát trống quân. Tại các địa phương, hoạt động của các CLB VHVN-TDTT diễn ra sôi nổi, rộng khắp, nhiều CLB là những điểm sáng trong việc duy trì hoạt động và thu hút thành viên tham gia, đóng góp không nhỏ cho phong trào chung của toàn huyện.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/thanh-liem-quan-tam-xay-dung-va-phat-trien-van-hoa-131959.html