Thanh long Bình Thuận đã có 'giấy thông hành' vào thị trường khó tính
Được mệnh danh là 'thủ phủ thanh long của Việt Nam', trái thanh long được xác định là 1 trong 6 sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận, đã xuất khẩu sang 40 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Và thông tin chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản, càng khẳng định uy tín, mở ra cơ hội để 'rồng xanh' rộng đường vào thị trường khó tính.
Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lợi thế
Cùng với thanh long, 5 sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế địa phương như: Lúa, điều, tiêu, nước mắm, tôm giống. Trong đó, nước mắm Phan Thiết được xếp vào loại “lão làng” với chiều dài lịch sử 200 năm tuổi, được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.
Nước mắm Phan Thiết tồn tại hơn 200 năm
Hiện toàn thành phố có khoảng 200 cơ sở sản xuất, tập trung chủ yếu ở phường Phú Hài, Thanh Hải và Hàm Tiến, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 30 triệu lít. Đối với các doanh nghiệp nước mắm Phan Thiết khi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã thấy được lợi ích quan trọng trong việc kinh doanh. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh. 2 sản phẩm lợi thế của tỉnh là thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, toàn tỉnh đã có 97 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, 57 nhà sản xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết (tổng sản lượng sản xuất hơn 51,2 triệu lít/năm). Đây là tiền đề cho việc khai thác, sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trở thành tác nhân thương mại quan trọng, cơ sở cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn nguồn gốc này…
Nước mắm Phan Thiết xuất khẩu
Tuy nhiên, dù còn nhiều thăng trầm về thị trường giá cả những năm gần đây, nhưng thanh long vẫn được xem là sản phẩm chủ lực của tỉnh, trở thành “thủ phủ” của loại nông sản này sau 30 năm hình thành và phát triển, với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm (tăng 693.000 tấn so năm 1992) và diện tích đã đạt hơn 33.000 ha. Hiện Bình Thuận có hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến thanh long. Ngoài ra, hiện có hơn 20.000 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với thị trường nên giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 của tỉnh bình quân đạt 123,5 triệu đồng/ha, tăng 118,05 triệu đồng/ ha so năm 1992 (5,45 triệu đồng/ ha). Đặc biệt, cuối năm 2021, trái thanh long Bình Thuận được Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xem như “bật đèn xanh” cho trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất thế giới.
Thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Dán tem chỉ dẫn địa lý
“Giấy thông hành” đi Nhật
Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục rất phức tạp, ngày 7/10/2021, chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản với số văn bằng 110. Đây là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau vải thiều Lục Ngạn. Thông tin này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand... Hiện tại có 5 địa phương đủ năng lực cung cấp trái thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản: huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và TP. Phan Thiết. Theo ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất và kinh doanh trái thanh long trên địa bàn tỉnh. Bởi sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh với thị trường Nhật Bản. Để triển khai quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ UBND tỉnh đến các sở, ngành, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận. Từng hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh phân phối phải ý thức và hợp tác với nhau để thanh long phát triển bền vững hơn nữa.
Tại các cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận”, có tính bền vững, đề nghị Hiệp hội Thanh long Bình Thuận quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái thanh long sử dụng tem, nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” và tem chỉ dẫn địa lý do phía Nhật Bản cấp trên trái và thùng thanh long khi xuất khẩu qua Nhật Bản. Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long… Có như vậy, “rồng xanh” Bình Thuận mới có cơ hội vươn xa một cách bền vững thời gian tới.