Thanh long chính thức được thông quan tại Cửa khẩu Móng Cái và cửa khẩu Hà Khẩu

Sáng 13/1, Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam. Đây là một thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Diễn đàn trực tuyến "Đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả ứng phó khó khăn của dịch Covid-19". Ảnh: Khánh Linh

Thông tin tại diễn đàn trực tuyến "Đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả ứng phó khó khăn của dịch Covid-19", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 13/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sáng nay Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam.

"Đây là một thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam" - ông Trần Thanh Nam chia sẻ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý các doanh nghiệp, trong bối cảnh nhiều loại nông sản của Việt Nam bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, sản lượng có nhu cầu tiêu thụ là rất lớn, các doanh nghiệp phải thường xuyên liên hệ với các đơn vị chức năng ở các cửa khẩu để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình, điều tiết xe lên cửa khẩu xuất đi Trung Quốc một cách hợp lý, nếu không sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ, thiệt hại sẽ rất lớn.

Ông Trần Thanh Nam cho hay, trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản... ở 11 tỉnh, từ đó làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay các nhà máy chế biến rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.

Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã… mới có thể đảm bảo gia tăng giá trị cho các sản phẩm. Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm của mình vào các nhà máy chế biến.

Để làm được điều này, theo ông Trần Thanh Nam, việc làm đầu tiên là phải chuyển biến về mặt tư duy nhận thức trong chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào xuất khẩu thô mà quan tâm nhiều hơn đến việc đưa các sản phẩm vào chuỗi liên kết chế biến. Trên cơ sở những ý kiến, góp ý, kiến nghị từ các đơn vị trong diễn đàn, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu để ban hành những chính sách đích đáng, giúp công tác tiêu thụ thuận lợi nhất.

Theo Cục Trồng trọt, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý I/2022 hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong Quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến. Riêng Tây Nguyên là khu vực thừa nhiều nhất, với hơn 900.000 tấn.

Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). So với khu vực phía Bắc, lợi thế của phía Nam là cho cây ăn quả, rau quanh năm.

Về cơ cấu, sản lượng cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam, nhưng khu vực này còn ít cơ sở chế biến và chủ yếu xuất khẩu ở dạng quả tươi, thậm chí một số vùng chưa có sơ chế cơ bản.

Trước đó, tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển diễn ra chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng thông tin về việc Lạng Sơn sẽ tạm dừng nhận xe hoa quả tươi từ 17/1 cho tới hết Tết Nguyên đán. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tính toán, điều tiết hàng hóa xuất khẩu qua biên giới từ nay đến Tết Nguyên đán cho phù hợp. Đồng thời, bộ đề nghị các địa phương có nông sản, trái cây cần tập trung kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-long-chinh-thuc-duoc-thong-quan-tai-cua-khau-mong-cai-va-cua-khau-ha-khau-98789.html