Thanh minh tảo mộ - Mỹ tục ngày xuân
Trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng tâm linh của người Việt, tết - tiết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng. Nếu như 'Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn' thì Thanh minh - tảo mộ chính là dịp để mỗi người thành kính tri ân, tưởng nhớ, dành sự 'quan tâm' đặc biệt đến người đã khuất.
“Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/ Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/ Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...” - những câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã “khái quát” một cách đầy đủ về mỹ tục tảo mộ vào dịp tiết - tết Thanh minh.
Theo đó, trong quan niệm dân gian, Thanh minh là một trong 24 tiết khí của một năm. Tiết Thanh minh bắt đầu sau ngày Đông chí 105 ngày và Lập xuân 45 ngày. Tiết Thanh minh kéo dài trong thời gian khoảng nửa tháng và thường diễn ra vào cuối tháng 2 sang đầu tháng 3 (âm lịch).
Thanh minh theo chiết tự là “trong” và “sáng”, Thanh minh được hiểu là những ngày đất trời đặc trưng bởi không khí trong xanh và tươi sáng. Sau những ngày đông lạnh giá, mưa bụi ẩm ướt, nắng ấm đã trở lại, vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cỏ tốt tươi cũng là lúc bước vào tiết Thanh minh. Vào dịp này, theo lệ cũ, các gia đình lại tìm về nghĩa trang nơi yên nghỉ của người thân để dọn dẹp, sửa sang mộ phần - gọi là tảo mộ.
Về tiết Thanh minh, trong sách Việt Nam phong tục, tác giả Phan Kế Bính đã viết: “Trong khoảng tháng ba, có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng... nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên”.
Tôi bất chợt nhớ đến tiết Thanh minh những ngày mình còn nhỏ. Tại gia đình tôi, việc tảo mộ và cúng gia tiên dịp tiết Thanh minh vẫn thường diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch). Vào ngày hôm đó, từ sáng sớm mẹ đã dậy để làm các loại bánh (bánh rán, bánh trôi) cùng nồi chè đậu thơm phức để bố kịp mang ra mộ cúng thần linh và người thân đã khuất. Còn bố, cùng với các lễ vật mẹ chuẩn bị sẵn, bao giờ ông cũng mang theo con dao thật sắc và chiếc cuốc rồi dẫn chị em tôi ra nghĩa trang của làng để sửa sang mộ phần cho ông bà tổ tiên và bác gái đã khuất. Sau khi mấy bố con tôi đi rồi, mẹ ở nhà lại tất tưởi chuẩn bị mâm cơm mặn để khi bố về thì kịp thắp hương gia tiên. Và năm nào cũng vậy, khi bố tôi ở ngoài nghĩa trang trở về, bao giờ mẹ tôi cũng “sốt ruột” hỏi han xem mộ phần năm nay có nhiều cỏ dại, có bị sụt lún, mối đùn, trũng ướt không...?! Khi cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm cúng gia tiên, bố mẹ tôi lại “không quên” dặn dò các con, đại ý: Con cháu chăm lo cho mộ phần của ông bà, tổ tiên, người thân đã khuất là bổn phận, trách nhiệm, cũng là một... may mắn. Khi mỗi người còn được chăm sóc, nhớ về mộ phần ông bà tổ tiên, nhớ về những người đã khuất, có nghĩa chúng ta không cô đơn - cô độc trong cuộc đời này.
Bố mẹ tôi giờ đã có tuổi, việc tảo mộ trong tiết Thanh minh lại được tiếp nối bởi các con với tấm lòng thành kính hết mực.
Và có lẽ không chỉ là trách nhiệm, tảo mộ trong tiết Thanh minh phải chăng còn là dịp để người sống “giao cảm” với người đã khuất, bằng tấm lòng biết ơn. Đứng trước mộ phần người thân, mỗi người được tự tay nhổ từng ngọn cỏ, đắp từng nắm đất, trồng từng nhành hoa, thắp từng nén hương... ta bất chợt thấy lòng bình yên và nhẹ nhàng.
Chưa có khẳng định chắc rằng mỹ tục tảo mộ tiết Thanh minh có tự bao giờ, nhưng những nghi lễ trong tiết Thanh minh thì như đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người Việt. Điều đó được học giả Nguyễn Văn Huyên gần 100 năm trước đã ghi lại một cách chân thực: “Và thật thư thái tâm hồn khi nhìn thấy tất cả những người nông dân ấy áo quần tươm tất, ra khỏi làng từ sáng sớm tinh mơ để tới các ngôi mộ, băng qua bờ hẹp của những mảnh ruộng nhỏ xíu còn đầm hơi sương. Những cảnh tượng thành kính một lần nữa chứng tỏ nhu cầu của người sống muốn xích gần lại với người đã chết”.
“Cuộc thăm mộ ngày Thanh minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết. Như ta biết, mồ mả được giữ gìn một cách thành kính ở Việt Nam cho đến lúc gia tộc tuyệt diệt... mồ mả là nơi ở thật sự của người chết... Vì thế, ở đất nước Việt Nam con cháu nào cũng tìm cách bảo vệ cẩn thận mồ mả của tổ tiên mình... Mỗi người, tùy theo khả năng của mình và theo thứ bậc của mình, đều cố gắng chăm nom mồ mả cực kỳ cẩn thận” (sách Hội hè lễ tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên).
Và việc thờ cúng - chăm sóc mộ phần của người đã khuất thời xa xưa còn được đưa vào luật của triều đình phong kiến, “Luật Gia Long thời xưa viết: “Kẻ nào xóa bỏ hay đào một nấm mồ hay một ngôi mộ đến mức nom thấy quan hoặc quách, thì sẽ bị phạt đánh một trăm trượng và đày đi ba nghìn dặm... Pháp luật trừng trị nghiêm khắc những cha mẹ và ông bà xâm phạm mồ mả của con và cháu. Con cháu hủy hoại và bỏ mặc thi hài của ông bà, cha mẹ thì bị chém đầu...”. Như vậy, mồ mả là những chốn thiêng được tôn kính sâu sắc” (sách Hội hè lễ tết của người Việt).
Dẫn như vậy để thấy rằng, việc gìn giữ mồ mả của người đã khuất từ ngàn xưa đến hôm nay vẫn luôn được coi trọng. Cùng với những lễ nghi trong tiết Thanh minh cũng đã khẳng định giá trị văn hóa - tín ngưỡng sâu sắc của mỹ tục ngày xuân. Dẫu cuộc sống luôn vận động, phát triển không ngừng song tảo mộ tiết Thanh minh luôn được mỗi người, mỗi gia đình đề cao theo những cách khác nhau.
Tiết Thanh minh đang về, trên khắp mọi nẻo đường, từ làng quê lên phố thị, cuộc “hành hương” về với người đã khuất đã lại bắt đầu. Trong không gian nghĩa trang tĩnh lặng, mùi khói nhang thoang thoảng, tiếng người nói thì thầm, tiếng chân bước nhẹ... mỗi người nhẹ nhàng chắp tay trước mộ phần tổ tiên và người thân đã khuất để lòng thành kính tưởng nhớ... xúc cảm ấy, thật sự thiêng liêng.