Thanh niên 29 tuổi suýt tật nguyền vì lạm dụng rượu bia, thuốc lá
Các bác sĩ vừa điều trị thay khớp háng trái thành công cho nam thanh niên 29 tuổi do hoại tử chỏm xương đùi.
Bệnh nhân là anh N.V.D. (29 tuổi, ngụ thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) bị đau khớp háng trái nhiều năm nay.
Anh đã điều trị nội khoa (uống thuốc giảm đau, kháng viêm…) tại nhiều cơ sở y tế nhưng không thấy đỡ, mức độ đau ngày càng tăng dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Được biết anh D. hút thuốc lá mỗi ngày một gói và thường xuyên lạm dụng bia rượu với tần suất 3 - 4 lần/tuần.
Được người quen giới thiệu, ngày 23.6, anh D. đã đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ). Sau khi xem xét kỹ tình trạng bệnh và các kết quả cận lâm sàng, êkip bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi trái.
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện và được điều trị phẫu thuật thay khớp háng trái toàn phần.
Sau khoảng 2 giờ, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công. Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc và chỉ định tập vật lý trị liệu, quá trình hồi phục tốt.
Ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân có thể tập đi lại dần. Ngày 28.7, người bệnh đã được xuất viện, theo dõi tái khám ngoại trú theo chỉ định của bác sĩ.
Ths.BS Lê Dũng, Trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Hoại tử chỏm xương đùi là một trong những bệnh thường gặp ở khớp háng. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi thanh niên hoặc trung niên (30 - 60 tuổi).
Nguyên nhân gây bệnh thường do chấn thương: trật khớp, gãy đầu trên xương đùi. Hoặc nguyên nhân không do chấn thương: hút thuốc lá quá nhiều, lạm dụng rượu, dùng corticoid lâu ngày để điều trị các bệnh về khớp...
Như trường hợp của thanh niên này đã hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia dẫn đến viêm mạn tính và làm tắc các mao mạch nuôi chỏm xương đùi, dẫn đến các tế bào xương sụn vùng chỏm bị thiếu máu và hoại tử dần”.
Theo các bác sĩ, ở giai đoạn sớm, hoại tử chỏm xương đùi có thể điều trị bằng các phương pháp như tập vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau khi đau nhiều, hạn chế lao động nặng hay hoạt động thể thao quá sức.
Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn thì biện pháp cuối cùng là nên thay khớp háng. Thay khớp háng sẽ giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau.
Hoại tử chỏm xương đùi là căn bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác. Khi có biểu hiện đau khớp háng một bên hay hai bên, đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong xoay ngoài khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng…
Khi có các dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chỉnh hình để được chẩn đoán sớm và điều trị.
Để dự phòng hoại tử chỏm xương đùi, mỗi cá nhân nên thiết lập chế độ sinh hoạt lành mạnh, có lối sống khoa học, luyện tập thể dục thể thao đúng cách, tránh các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá, corticoid.