Thanh niên 'chặt' biển số xe, chuyên gia tâm lý khuyến cáo điều gì?

Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tâm lý học, ThS Ngô Thế Lâm khuyến cáo các phụ huynh cần tâm sự, sẻ chia nhiều hơn với con mình khi các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bởi, lứa tuổi này rất dễ xảy ra lệch chuẩn nhận thức, dẫn đến những hành vi sai.

Tuổi thanh thiếu niên có biến chuyển mạnh về tâm lý

Trước vụ việc một nhóm thanh thiếu niên "chặt" biển số xe thời gian qua, ThS Ngô Thế Lâm (giảng viên tâm lý học, Khoa Lý luận cơ bản, Trường Đại học Khánh Hòa) đưa ra nhiều phân tích. Ông Lâm cho rằng, hành vi "chặt" biển số xe của nhiều thanh thiếu niên trong thời gian qua là biểu hiện rõ của việc lệch chuẩn nhận thức của các em.

Điển hình như ngày 16/8, một nhóm thanh thiếu niên ở tỉnh Hà Nam, độ tuổi 15 đến 17 tuổi cầm theo kiếm chạy xe máy trên đường ở Phủ Lý (Hà Nam), nếu thấy không thích ai đang đi xe máy thì chặt đứt phần nhựa có gắn biển số của họ.

Hay ngày 25/8, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) làm rõ nhóm thanh thiếu niên mang hung khí đi "chặt" biển số xe máy của người khác.

Tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), cơ quan công an cũng đã ngăn chặn, xử lý nhóm thanh thiếu niên chặt phần nhựa có gắn biển biển số xe máy của nhiều người. Theo khai nhận của các em gây ra những vụ việc trên, mục đích việc "chặt" biển số xe là để khoe trên mạng xã hội, muốn thị uy với các nhóm thanh thiếu niên khác.

Theo ông Ngô Thế Lâm, lứa tuổi thanh thiếu niên có biến chuyển mạnh về tâm lý, cha mẹ, thầy cô giáo cần học cách làm bạn với các em.

Theo ông Ngô Thế Lâm, lứa tuổi thanh thiếu niên có biến chuyển mạnh về tâm lý, cha mẹ, thầy cô giáo cần học cách làm bạn với các em.

"Hành vi nêu trên của các thanh thiếu niên như hồi chuông cảnh báo đến các gia đình cần quan tâm con em mình hơn. Lứa tuổi này, các em có những biến chuyển mới mẻ về tâm sinh lý, có biểu hiện bướng bỉnh, thích làm theo ý mình.

Tuổi thanh thiếu niên cũng là lúc các em có nhu cầu vươn lên làm người lớn, ý thức cao về cái tôi, mong muốn được thể hiện bản thân và được thừa nhận. Trong khi đó, trong mắt nhiều phụ huynh, các em vẫn là những đứa trẻ, nghĩa là phủ nhận nhu cầu chính đáng và thiếu sự hiểu biết tường tận về sự biến đổi trong tâm lý của các em. Từ đó, thiếu sự sẻ chia, tâm tình mà thay vào đó là dùng những mệnh lệnh kiểu sai bảo, áp đặt khiến các em khó chịu, thích làm theo ý mình. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những xung đột giữa người lớn với các em (cha mẹ - con cái, thầy cô - học trò)", ThS Ngô Thế Lâm chia sẻ.

Nhóm thanh thiếu niên ở Bắc Giang đi "chặt" biển số xe của người khác. Ảnh CQCA.

Nhóm thanh thiếu niên ở Bắc Giang đi "chặt" biển số xe của người khác. Ảnh CQCA.

Cha mẹ, thầy cô nên làm gì với các em tuổi thanh thiếu niên?

Theo ThS Ngô Thế Lâm, từ nhận thức "nửa vời" (nửa người lớn, nửa trẻ con) nên hành vi của các em tuổi thanh thiếu niên thường xốc nổi, thiếu kiểm soát, thiếu chín chắn. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội và pháp luật của các em còn thấp nên thường dẫn đến nhiều hành vi phạm pháp hoặc vi phạm các quy phạm đạo đức.

Ngoài ra, đây cũng là lứa tuổi rất nhạy cảm với cái mới, tâm lý bắt chước rất điển hình, đặc biệt là bắt chước những việc làm không tốt trên các nền tảng mạng xã hội.

Biển số xe bị một nhóm thanh thiếu niên chặt. Ảnh CACC

Biển số xe bị một nhóm thanh thiếu niên chặt. Ảnh CACC

"Trong bối cảnh hiện nay, hầu như thanh thiếu niên nào cũng có thể tiếp cận, sử dụng mạng xã hội, trong khi các em chưa có khả năng gạn lọc thông tin, chưa biết phân biệt cái gì đúng, cái gì sai. Thêm vào đó, tính a dua cao nên rất dễ tạo trend và theo trend những điều xấu. Thế nên, hàng ngày, cha mẹ hãy tâm tình, thăm dò xem con mình thích xem gì, hay xem gì trên mạng xã hội. Khi thấy các em "mê" xem những điều xấu, bạo lực… thì mềm mỏng, linh hoạt phân tích cho các em rõ, xem những điều đó là không tốt", ông Lâm phân tích.

Cũng theo chuyên gia Ngô Thế Lâm, cha mẹ và thầy cô giáo cần học cách làm bạn với các em tuổi thanh thiếu niên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khích lệ những ý tưởng đúng đắn của trẻ. Khi phát hiện các em thanh thiếu niên có ý nghĩ, hành vi sai lệch, cần nhẹ nhàng khuyên nhủ, không dùng mệnh lệnh và biện pháp mạnh vì điều này sẽ phản tác dụng. Đồng thời, quan tâm hàng ngày đến tình hình học tập, nhóm bạn, mối quan hệ xã hội của con em mình để kịp thời có những định hướng, can ngăn nhẹ nhàng.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thanh-nien-chat-bien-so-xe-chuyen-gia-tam-ly-khuyen-cao-dieu-gi-169240827144236034.htm