Thanh niên Hải Dương ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu
Những ngày này, bão lũ gây nhiều thiệt hại, là lời nhắc nhở về việc ứng phó với thiên tai, chống biến đổi khí hậu hiện nay. Với sự sáng tạo và năng động, tuổi trẻ Hải Dương đã và đang tham gia vào thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Phản ứng nhanh trước bão lũ
Để nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với những khốc liệt của thiên tai, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục duy trì, bổ sung 235 đội hình thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với 2.150 thanh niên tham gia. Có hơn 40.000 lượt đoàn viên thanh niên, người dân được tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, mấy ngày nay, ngay sau khi có yêu cầu của Tỉnh đoàn Hải Dương, các đội hình thanh niên tình nguyện này ra quân phòng chống bão lũ với các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Gần 8.000 đoàn viên thanh niên, các đội hình xung kích đã hỗ trợ nhiều phần việc như dọn dẹp cây cối gãy đổ, vệ sinh cảnh quan trụ sở làm việc, khuôn viên trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ...
Nhận thấy nhiều nông sản bị ảnh hưởng do mưa lũ, lực lượng thanh niên đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con để giảm thiểu thiệt hại. Hàng chục tấn nông sản như dưa, bưởi, chuối, ổi nhanh chóng được tiêu thụ. Mưa lũ, nước sông dâng cao ảnh hưởng đến nhiều lồng cá, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh cũng đã nhanh chóng hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn cá lồng giúp người dân. Chiều 11/9, Tỉnh đoàn, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ bà con huyện Tứ Kỳ tiêu thụ 3,5 tấn cá lồng. Các hoạt động này tiếp tục được duy trì trong những ngày tới thể hiện trách nhiệm của thanh niên với cộng đồng, đồng hành cùng bà con vượt qua những khó khăn mùa bão lũ.
Tỉnh đoàn Hải Dương cũng kêu gọi và hỗ trợ vận chuyển đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, đoàn thể... đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão, chống lũ. Đồng thời, thăm hỏi, động viên và trao quà cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trước tình trạng nước trên các sông ở Hải Dương dâng cao, cùng với các lực lượng vũ trang và người dân địa phương, thanh niên lại tiếp tục tham gia hỗ trợ chống lũ. Ngay trong đêm 10/9, Huyện đoàn Thanh Miện đã cử đội phản ứng nhanh gồm 45 thanh niên cùng các lực lượng khác hỗ trợ xã Hồng Phong sơ tán toàn bộ 103 người dân gồm 29 người già và 74 trẻ nhỏ ở ngoài đê bối sông Luộc đến nơi an toàn.
Đoàn viên thanh niên ở các địa phương khác cũng tích cực tham gia hỗ trợ di dời người và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt, có nguy cơ ngập lụt; phối hợp khắc phục các sự cố về đê điều như chống tràn, xử lý mạch đùn, mạch sủi…
Nhiều mô hình, phần việc “xanh"
Nhằm góp phần thể hiện vai trò của thế hệ trẻ trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, lực lượng thanh niên đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện như tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi về vệ sinh cộng đồng, bảo vệ môi trường, tích cực tham gia trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước...
Đoàn viên thanh niên cũng là những tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tới người dân ý thức tìm hiểu và trang bị kiến thức ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ đó thay đổi nhận thức, cách ứng xử đối với thiên nhiên. Tích cực triển khai giải pháp mới tiết kiệm năng lượng, thay đổi thói quen, lối sống theo hướng giảm thiểu sử dụng các thiết bị làm gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, tích cực trồng cây xanh, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.
Hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và mục tiêu trồng mới 100 triệu cây do Trung ương Đoàn xác lập trong giai đoạn 2021-2025, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tích cực trồng hàng triệu cây xanh. Riêng trong “Ngày Chủ nhật xanh” lần thứ nhất năm 2024, toàn tỉnh đã trồng thêm khoảng 38.750 cây xanh.
Tháng 3/2023, lần đầu tiên Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hải Dương ra mắt mô hình “Vườn ươm thanh niên, vì một Hải Dương xanh" tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh với hơn 20.000 cây giống. Sau khi ươm thành công, các cây giống được trao tặng cho các cơ sở Đoàn để xây dựng các công trình hàng rào xanh, hàng cây thanh niên dọc các tuyến đường nông thôn, giảm chi phí mua cây giống hằng năm.
Từ mô hình này, trong Tháng Thanh niên năm 2024, Huyện đoàn Gia Lộc đã nhân rộng “Vườn ươm thanh niên" tại các cơ sở Đoàn xã, thị trấn. Cây bóng mát, cây cảnh, cây hoa hay cây thuốc, mỗi đơn vị lại có cách triển khai khác nhau nhưng đều hướng tới những lợi ích thiết thực.
Ngoài ra, các hoạt động dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, mô hình phòng chống rác thải nhựa… thường xuyên được triển khai góp phần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên Hải Dương trong tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại nhiều trường học, giáo viên chủ động lồng ghép, tích hợp nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu qua các môn học, đặc biệt là môn tự nhiên - xã hội, địa lý và trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết hoạt động trải nghiệm. Những bài học này giúp học sinh biết bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, chăm sóc cây xanh, tuyên truyền tới cha mẹ và người thân bảo vệ môi trường sống. Ngoài ra, thầy cô giáo cũng hướng học sinh biết phòng chống và chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Là thế hệ trẻ, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng chống biến đổi khí hậu và khắc phục những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra. Với tinh thần xung kích tình nguyện, các đoàn viên thanh niên có thể huy động gia đình, trường học, cộng đồng tham gia vào các phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lan tỏa những thông tin tích cực, phủ xanh mạng xã hội
Trong quá trình tham gia nhiệm vụ khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và phòng chống ngập úng, ứng phó sự cố đê điều trên địa bàn tỉnh, lực lượng đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đã tiếp xúc, nắm bắt nhiều thông tin khác nhau, trong đó có nhiều thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Cụ thể, từ ngày 9-11/9, Công an tỉnh đã phạt 21 trường hợp và nhắc nhở nhiều trường hợp vi phạm khác liên quan đến những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ.
Trước tình hình đó, với vai trò xung kích, lực lượng đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đã tiến hành rà soát, xác minh các thông tin đăng tải trên không gian mạng có nội dung sai sự thật liên quan đến thiên tai, bão lũ, sự cố đê điều trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật thì tùy theo mức độ, lực lượng công an tiến hành triệu tập, mời các cá nhân vi phạm tới trụ sở tiến hành xử phạt. Kêu gọi đoàn viên Công an chia sẻ các dấu hiệu nhận biết tin giả, tin sai sự thật. Đồng thời, lan tỏa các thông tin tích cực, phủ xanh mạng xã hội, góp phần ổn định tâm lý người dân trong khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Lực lượng thanh niên và người dân không được chủ quan trước tình hình mưa lũ, song cần tỉnh táo, chọn lọc khi tiếp cận thông tin, không tin theo, không lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Đại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hải Dương
Phát huy tinh thần xung kích tình nguyện hỗ trợ người dân kịp thời
Ngay sau khi Huyện đoàn Thanh Miện triển khai kế hoạch của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đến các cơ sở Đoàn, chúng tôi đã động viên các đoàn viên thanh niên tham gia. Mặc dù bận rộn công việc chuyên môn nhưng đã có rất đông thầy cô giáo, đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia. Bắt đầu từ ngày 10/9, từ 19-24 giờ đêm, nhiệm vụ của chúng tôi là đóng bao cát, đất, vận chuyển để đắp bờ bao chắn nước; đồng thời động viên bà con sẵn sàng sơ tán, giúp vận chuyển tài sản về nơi an toàn.
Trong thời điểm mưa lũ thế này, là lực lượng thanh niên, chúng tôi nhận thấy cần phát huy tinh thần xung kích tình nguyện để hỗ trợ người dân kịp thời; đoàn kết, tương thân tương ái trong những tình huống khó khăn. Đây là việc làm ý nghĩa, không chỉ góp phần bảo vệ người dân xã Hồng Phong nói riêng mà còn bảo đảm an toàn cho nhân dân trong huyện và các vùng lân cận.
Anh Nguyễn Đình Tài, Bí thư Đoàn Trường THPT Thanh Miện III
Cần nhận thức rõ về hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu
Thành ngữ có câu “Nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc”. “Thủy” là hiểm họa đầu tiên. Là một đất nước hằng năm vẫn hứng chịu từ 10-15 cơn bão lớn nhỏ, gần đây tần suất các hiện tượng cực đoan về thời tiết, thiên tai xảy ra nhiều hơn và bất ngờ hơn, tôi nghĩ thế hệ trẻ như chúng tôi cần nhận thức rõ ràng hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề cần sự tỉnh táo trong nhận thức và hành động ở các bạn trẻ. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức chủ động và bình tĩnh, sẵn sàng đối mặt, không nên chủ quan, bàng quan hay thờ ơ. Các bạn trẻ cần phát huy tinh thần xung kích tình nguyện, trước mắt là đối với cộng đồng ngay nơi mình sinh sống để lan tỏa nhận thức đúng đắn về thiên tai, biến đổi khí hậu và sẵn sàng chung sức hỗ trợ khi xảy ra hiểm họa.
Khi trực tiếp trải qua và chứng kiến bão lũ ở các tỉnh miền Bắc, tôi càng thêm thấm thía và rất mong các bạn trẻ nâng cao nhận thức, cùng trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai và úng phó biến đổi khí hậu; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết là sức mạnh để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.