Thanh niên hút thuốc gây cháy tại cây xăng Mê Linh có bị xử lý hình sự?
Mới đây, tại cây xăng thuộc xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) đã xảy ra hỏa hoạn do 1 thanh niên đi vào đổ xăng cố tình châm lửa hút thuốc. Theo Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.
Theo hình ảnh trong clip được đăng tải trên mạng, 3 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đèo nhau trên chiếc xe SH đi vào đổ xăng. Khi thấy 1 người trong nhóm đang chuẩn bị hút thuốc, nhân viên của cây xăng đã lên tiếng nhắc nhở song họ không những không chấp hành mà còn cười đùa, bỡn cợt.
Nghiêm trọng hơn, trong khi đang bơm xăng, 1 cá nhân đã cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội khiến nhiều người xung quanh hoảng hốt tháo chạy. Rất may ngọn lửa nhanh chóng được dập tắt nên không có thiệt hại về người và tài sản.
Sau khi sự việc xảy ra, CAH Mê Linh (Hà Nội) đã xác định danh tính 3 thanh niên này, gồm gồm Hồ Mạnh Dân (SN 1999); Nguyễn Nhân Khải (SN 1997) và Nguyễn Văn Đạt (SN 1999), đều ở huyện Mê Linh. Hiện cơ quan công an đang lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.
Về chế tài xử lý đối với hành vi trên, Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, các cơ sở kinh doanh xăng dầu luôn là nơi tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về PCCC sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, các cửa hàng xăng dầu ngoài việc đảm bảo an toàn về PCCC còn phải niêm yết đầy đủ các biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động để cảnh báo, yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm túc thực hiện.
Việc 1 trong 3 thanh niên khi vào mua xăng cố tình cúi đầu vào gần bình xăng rồi châm lửa hút thuốc trong khi nữ nhân viên đang bơm xăng khiến ngọn lửa bùng cháy là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về PCCC. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Về xử lý hành chính, Khoản 3, Điều 33 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy quy định, phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm.
Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 BLHS 2015.
Theo đó, người nào vi phạm quy định về PCCC làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.
Người vi phạm quy định về PCCC gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31- 60%...thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.
Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng-1 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.