Thanh niên huyện miền núi Hà Tĩnh nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo
Sau thời gian miệt mài tìm tòi, học hỏi, anh Nguyễn Thành Luân ở thôn 5, xã Quang Diệm (Hương Sơn – Hà Tĩnh) đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo.
Bỏ nghề sửa chữa điện dân dụng, anh Nguyễn Thành Luân, sinh năm 1992 ở thôn 5, xã Quang Diệm chuyển hướng sang nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Đây là loại nấm dược liệu, được coi là quý hiếm nhưng khó nuôi trồng nhất trong các loại nấm.
Anh Luân chia sẻ: Đầu năm 2019, anh khăn gói ra tận Hải Phòng theo học nghề trồng nấm ăn. Trở về quê, anh trồng các loại nấm nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi... bán ra thị trường nhưng thu nhập không ổn định do quy mô nhỏ, sản lượng đạt thấp. Khi biết đông trùng hạ thảo là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người, được thị trường ưa chuộng, anh tự mày mò nghiên cứu, học hỏi với hi vọng nuôi cấy loại nấm thành công.
“Sau gần 2 năm đầu tư về thời gian, công sức, tiền bạc nghiên cứu, tìm hiểu, tích lũy kiến thức từ sách vở và không ít lần thất bại do thiếu kinh nghiệm, đến nay, hướng đi bước đầu đã thành công” – Anh Luân bày tỏ.
Nuôi đông trùng hạ thảo phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ tỷ lệ phối trộn nguyên liệu đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng.
Giống nấm đông trùng hạ thảo được cấy trên 2 giá thể đó là trên nền hỗn hợp bao gồm gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, nhộng tằm... Các giá thể nhỏ này sẽ được cho vào các lọ nhỏ để cấy giống, sau đó đưa vào hấp vô trùng.
Sau khi để nguội sẽ được cấy truyền giống đông trùng hạ thảo rồi đưa vào ủ trong phòng tối từ 5 đến 7 ngày cho đến khi sợi đông trùng hạ thảo lan đều và phủ kín bề mặt.
Các sợi đông trùng hạ thảo được chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18 – 23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Duy trì trong phòng lạnh cho đến 2,5 tháng sau thì cho thu hoạch.
“Quy trình nuôi trồng cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo rất phức tạp. Đây được xem là “cô công chúa đỏng đảnh”, đặc biệt là cần phải chú ý điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh như: ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ... giống với điều kiện tự nhiên. Các kỹ thuật này cần phải chính xác và thật tỉ mỉ" – Anh Luân cho hay.
Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo thử nghiệm được anh Luân xây dựng theo quy trình khép kín, quy mô nuôi 700 – 800 lọ/lứa, gồm cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phòng vô trùng, phòng lạnh. Cuối năm 2020, anh xuất bán ra thị trường được hơn 600 lọ đông trùng hạ thảo tươi (mỗi lọ có trọng lượng 100g), thu về hơn 60 triệu đồng.
Khi cảm thấy tự tin hơn với kiến thức tích lũy, anh Luân mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng mở rộng quy mô lên 10.000 - 15.000 lọ/lứa, xây dựng nhà xưởng có tổng diện tích hơn 250 m2 cùng hệ thống máy móc sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ, anh sẽ xây dựng 2 cửa hàng giới thiệu và bán các loại sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô, rượu ngâm đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... để nâng cao thu nhập.
Mô hình khởi nghiệp trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Thành Luân là sản phẩm đầu tiên mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn huyện. Mô hình đang được huyện hỗ trợ tư vấn xây dựng thành các sản phẩm OCOP trong năm 2021. Qua kiểm tra cho thấy, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Luân được đầu tư khá bài bản.
Ông Phan Khương Duy- chuyên viên Văn phòng điều phối NTM huyện Hương Sơn