Thanh niên Lâm Bình thi đua phát triển kinh tế

Với tinh thần xung kích, lòng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Lâm Bình đã tích cực thi đua phát triển kinh tế với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, góp sức vào sự phát triển của địa phương.

Trên cơ sở tập hợp các đoàn viên thanh niên, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, năm 2018 HTX Thanh niên Thượng Lâm, xã Thượng Lâm được thành lập với 7 thành viên. Anh Chẩu Thanh Ngà, Phó Giám đốc HTX cho biết, ban đầu thành lập cũng gặp nhiều khó khăn, số vốn góp ít nên HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thu mua nông sản cho nông dân địa phương, chăn nuôi cá lồng với 1.500 m2 và kinh doanh dịch vụ homestay. Để có thêm vốn sản xuất kinh doanh, HTX đã chủ động mang ý tưởng khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần thứ nhất do Trung ương Đoàn tổ chức và giành giải ba, được Trung ương Đoàn trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để tiếp tục phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Với số tiền được hỗ trợ, HTX đang tiến hành xây dựng thêm 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm.

Đoàn viên thanh niên xã Lăng Can (Lâm Bình) tham quan mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Thế Tụy.

Đoàn viên thanh niên xã Lăng Can (Lâm Bình) tham quan mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Thế Tụy.

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi thương phẩm từ năm 2019 nhưng anh Nguyễn Thế Tụy, thôn Phai Tre, xã Lăng Can đã sớm gặt hái được thành công từ sự nhạy bén, năng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi qua các kênh thông tin trên mạng xã hội. Từ 10 cặp dúi giống ban đầu trị giá 10 triệu đồng, đến nay anh đã tăng lên 30 con dúi cái giống. Vừa qua, gia đình anh được xuất bán 300 con dúi thương phẩm thu lãi hơn 30 triệu đồng. Anh Tụy chia sẻ , “đầu năm 2020, từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) tôi được vay 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi dúi”.

Cũng bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019, anh Quan Văn Bằng, thôn Phiêng Luông, xã Bình An đã xây dựng mô hình chăn nuôi. Từ việc tham quan học hỏi các mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn các huyện lân cận, năm 2019 anh đã vận động gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 15 con trâu vỗ béo, sau 4 tháng trâu được xuất bán thu lãi hơn 50 triệu đồng. Nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2019 anh đăng ký vay 150 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Hiện anh Bằng chăn nuôi thường xuyên từ 10 - 15 con trâu vỗ béo, 300 con gà thịt.

Chị Chẩu Thị Khuyên, Bí thư Huyện đoàn Lâm Bình cho biết, để đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên, Huyện đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, có nhiều hoạt động đồng hành, giúp đỡ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế như tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên được tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, Huyện đoàn quản lý 40 tổ tiết kiệm vay vốn với dư nợ 66,1 tỷ đồng.

Có 5 mô hình phát triển kinh tế tín chấp qua nguồn vốn 120, trị giá hơn 400 triệu đồng. Hiện Huyện đoàn duy trì 35 mô hình kinh tế hiệu quả, từ đầu năm đến nay đã phát triển thêm 7 mô hình kinh tế thanh niên. Trong thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm... để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả hơn, đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trên địa bàn.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/thanh-nien-lam-binh-thi-dua-phat-trien-kinh-te-135871.html