Thanh niên làm giàu từ mô hình nuôi con 'ăn đêm, ngủ ngày'
Dễ nuôi, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao, con dúi đang được nhiều thanh niên ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) phát triển và nhân giống.
Khởi nghiệp từ 10 đôi dúi
Dúi là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng là thân cây tre, ngô, mía, cỏ voi… So với các vật nuôi hoang dã và truyền thống khác thì dúi rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường một tuần mới phải dọn chuồng một lần.
Nhận thấy dúi là động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc, với tư duy làm kinh tế, anh Phùng Ngọc Thuật (khu Đoàn, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn) quyết tâm làm giàu từ mô hình nuôi dúi.
Mỗi năm anh Thuật thu về cả trăm triệu đồng nhờ việc bán dúi giống và dúi thương phẩm.
Thời gian đầu nuôi do chưa có kinh nghiệm nên nhiều con dúi giống bị chết. Sau khi tham quan một số mô hình nuôi dúi ở các tỉnh để lấy kinh nghiệm và đọc thêm các tài liệu từ Internet, đàn dúi của Thuật sinh trưởng tốt và tỷ lệ hao hụt được hạn chế tối đa.
Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Thuật chia sẻ: “Nuôi dúi quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống, phải chọn những con dúi giống khỏe mạnh, cân nặng từ 3 lạng trở lên, lông đầy đủ, mượt và phải nuôi từ lúc dúi nhỏ, không nên ham chọn dúi giống lớn sẽ rất khó nuôi”.
Từ những cặp dúi ban đầu, đến nay trại nuôi dúi của Thuật đang có 200 con với 40 cặp bố mẹ và hơn 100 con dúi giống. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 3 con, cá biệt có con đẻ 5-6 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt từ 3-5 lạng; dúi thương phẩm nuôi 8-10 tháng có thể xuất chuồng, đạt trọng lượng 1,2 - 2 kg.
Mỗi con đạt trọng lượng ít nhất trên 1,5kg
Với lợi thế đất vườn rộng, anh Thuật chủ động trồng nguồn nguyên liệu thức ăn ngay tại vườn, góp phần giảm kinh phí chăn nuôi. Hiện nay, anh Thuật vừa tăng đàn, vừa bán dúi giống và dúi thịt. Dúi giống được bán với giá dao động từ 1– 1,6 triệu đồng/cặp tùy theo tuổi dúi; đối với dúi phối giống thì giá từ 1,8 - 2 triệu đồng/cặp.
Dúi nuôi từ 8 tháng trở lên thì có thể bán thương phẩm với giá trị từ 500.000 – 700.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi dúi giúp anh Thuật thu về cả trăm triệu đồng/năm.
"Thịt dúi thơm ngon, giàu chất đạm nên rất được ưa chuộng. Quy mô trang trại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, có thời điểm luôn trong tình trạng "cháy hàng” nên sắp tới tôi dự tính sẽ mở rộng”, anh Thuật nói.
X
Đầu tư kỹ thuật
Học hỏi kinh nghiệm từ anh Thuật, anh Đình Văn Mừng (khu Đồng, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn) cùng một người bạn đầu tư kỹ thuật với hy vọng làm giàu từ mô hình nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày”.
Thức ăn của dúi gồm: Tre, hạt ngô, thân mía, khoai, sắn, cỏ voi...
Theo anh Mừng, nuôi dúi không tốn diện tích. Tuy nhiên, dúi là động vật gặm nhấm, khá hung dữ, vì thế, mỗi con dúi phải xây một chuồng riêng. Chuồng được làm theo hình thức bổ ô vuông 50cm x 50cm bằng đá, gạch men hoặc xi măng bảo đảm độ trơn để dúi không leo ra ngoài được cũng như thuận tiện việc chăm sóc.
Với việc tuân thủ các kỹ thuật nuôi nhốt, đàn dúi anh Mừng sinh trưởng và phát triển tốt.
Đặc biệt, dúi chịu lạnh giỏi, song rất kỵ nước, vì thế, chuồng nuôi phải vừa mát, vừa tránh dột. Hơn nữa, một nguyên tắc “bất di bất dịch” mà những người nuôi dúi phải nắm trong lòng bàn tay là chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu vào.
“Tôi đầu tư hệ thống quạt hút gió, làm lưu thông không khí trong nhà tốt hơn, giúp môi trường nuôi luôn thông thoáng, sạch sẽ. Đối với những ngày thời tiết nắng nóng, có hệ thống phun sương mái chuồng kết hợp với bật điều hòa và quạt công suất lớn để giảm nhiệt nhiệt chuồng nuôi. Nhờ có cách làm này nên những ngày thời tiết trên 40 độ C dúi vẫn phát triển tốt”, anh Mừng chia sẻ.
Việc ghi chép các mốc thời gian giúp anh Mừng có thể ghép đôi dúi để chúng giao phối đúng thời điểm phát dục.
Dúi là loài được xếp vào dạng động vật hoang dã. Vì vậy, để tiến hành nuôi và mua bán dúi công khai với số lượng lớn trên thị trường, anh Thuật và anh Mừng đều phải tiến hành các thủ tục cần thiết để được Chi cục Kiểm lâm huyện Tân Sơn cấp giấy phép nhằm tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.