Thanh niên Thoại Sơn khởi nghiệp

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp, lập nghiệp.

Gắn với phong trào “Tuổi trẻ Thoại Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao”, hướng đến NTM kiểu mẫu, NTM thông minh, các cơ sở Đoàn từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ĐVTN trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, như: Tổ chức các buổi tư vấn về cơ chế chính sách, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; tổ chức các buổi họp mặt tuyên dương, động viên khen thưởng các gương điển hình, mô hình tiêu biểu.

Khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của huyện Thoại Sơn

Khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của huyện Thoại Sơn

“Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên tuyên truyền các mô hình mới, cách làm hay, cung cấp thông tin nghề nghiệp, việc làm và phổ biến các cơ chế, chính sách thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn; tuyên truyền các mô hình điển hình hiệu quả trên Fanpage “Huyện đoàn Thoại Sơn”, tạo sức lan tỏa trong thanh niên.

Huyện đoàn đã tạo điều kiện để sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tiếp cận “Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương” của Tỉnh đoàn, giúp trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm” - Bí thư Huyện đoàn Thoại Sơn Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin.

Nhu cầu vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Chị Hà cho biết, tính đến tháng 2/2023, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ thanh niên vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số vốn nhận ủy thác hơn 26 tỷ đồng. Thanh niên vay vốn ưu đãi phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công tác giới thiệu việc làm, tư vấn, hướng nghiệp được Đoàn các xã, thị trấn, Đoàn trường THPT trên địa bàn huyện quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2017 - 2022, đã tư vấn hướng nghiệp 9.187 thanh, thiếu niên, giới thiệc việc làm cho 1.656 thanh niên. Các chương trình, mô hình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương được xây dựng và triển khai hiệu quả, như: “Góp vốn xoay vòng”, “Giúp bạn vượt khó”…

Các hoạt động định hướng, tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong ĐVTN thường xuyên được tổ chức thông qua các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp, trang bị kiến thức sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 17 mô hình kinh tế thanh niên, chủ yếu phát huy lợi thế nông nghiệp, như: Nuôi dê sinh sản của Nguyễn Ngọc Sĩ (thị trấn Núi Sập); trồng mai vàng của Khưu Hùng Ngoan (xã Vọng Thê); trà mãng cầu của Lâm Thị Thảo Nhi (xã Mỹ Phú Đông); trà mãng cầu và cóc non sấy dẻo của Hồ Thanh Nam (xã Định Thành)…

Anh Khưu Hùng Ngoan (sinh năm 1993, ngụ xã Vọng Thê) là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mai vàng, có 4 thành viên tham gia. Theo anh, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng vùng đất Vọng Thê. “Vườn mai vàng ứng dụng công nghệ tưới phun bằng năng lượng mặt trời kết hợp điều khiển từ xa qua điện thoại di động, có diện tích 1,2ha, khoảng 9.000 gốc mai được cải tạo và phát triển trên nền đất ruộng kém hiệu quả” - anh Ngoan chia sẻ.

Nhu cầu thị trường về mai vàng tăng cao những năm gần đây. So với nhiều loại cây kiểng khác, mai vàng không phải là trào lưu mà là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là vào dịp Tết. Anh Ngoan và mọi người ươm gần 4.000 cây mai giống, dùng để trồng nối tiếp và bán cây giống với giá 50.000 đồng/cây, tăng thu nhập cho các thành viên.

Anh Nguyễn Ngọc Sĩ (sinh năm 1983, ngụ ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập) khởi nghiệp thành công với nghề làm cối đá. Gần 6 năm qua, cối đá của thanh niên này đã vang danh gần xa. Với lượng khách hàng ổn định trong và ngoài tỉnh, nghề làm cối đá mang đến thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Khi có được công việc ổn định, anh Sĩ tiếp tục khởi nghiệp với mô hình trồng cỏ nuôi dê và trồng ổi Đài Loan. Năm 2022, Huyện đoàn Thoại Sơn giới thiệu, hỗ trợ anh lập hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang. Anh Sĩ dành 35 triệu đồng mua 10 con dê nái và 1 con dê đực. Đàn dê hiện đang phát triển tốt.

Theo Bí thư Huyện đoàn Thoại Sơn Nguyễn Thị Ngọc Hà, lực lượng khởi nghiệp đa phần là thanh niên nông thôn nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiếp cận với các mô hình, nắm bắt xu hướng chưa kịp thời. Các dự án được hỗ trợ là các dự án mang tính chất lập nghiệp, không có nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chỉ thực hiện trên phạm vi nhỏ lẻ, chưa đủ sức thúc đẩy, lan tỏa cho các dự án, mô hình.

Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về dạy nghề và giải quyết việc làm cho ĐVTN, từ đó định hướng ĐVTN lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình...

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thanh-nien-thoai-son-khoi-nghiep-a360026.html