Thanh niên xung phong trên mặt trận kinh tế

Nhằm khuyến khích cựu thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Nội đã triển khai thành lập nhiều mô hình HTX và chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng dịch vụ tổng hợp, đa ngành nghề, có sự gắn kết hiệu quả hơn với doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.

Sau khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong hướng dẫn nhân dân vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng – Sông Bé, trở về địa phương với nghề mộc truyền thống của làng, anh Trần Minh Viễn, xã Canh Nậu, đã mở xưởng làm đồ gỗ gia dụng. Đến nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ Viễn Huyên đã phát triển khá có tiếng trên thị trường, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương. Mong muốn của anh Viễn là được tham gia vào HTX, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như hoạch định chiến lược kinh doanh nghề gỗ.

Mô hình HTX nấm Nghĩa Minh, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng do ông Trần Sỹ Mỹ, cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ là chủ tịch HĐQT. Theo ông Mỹ, với việc hoạt động theo mô hình HTX, tham gia chương trình OCOP đã giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ nấm của HTX được thuận lợi hơn. Trung bình một tháng, HTX nấm Nghĩa Minh đã cho ra thị trường 1500 kg nấm sò tươi, 1 tạ nấm hương khô và 2 tạ nấm linh chi.

Để các HTX thật sự là điểm tựa của cựu thanh niên xung phong Hà Nội trong thời kỳ mới, cần có những chính sách phù hợp, quan tâm và đầu tư bài bản về nguồn lực, con người, khoa học công nghệ, thông tin thị trường...nhằm phát huy tốt nhất vai trò kinh tế tập thể của những cựu thanh niên xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thanh-nien-xung-phong-tren-mat-tran-kinh-te-201199.htm