Thanh Phát làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi

Xã Thanh Phát (Sơn Dương) có 1.779 ha đất lâm nghiệp, chiếm 86% tổng diện tích đất tự nhiên. Phát huy thế mạnh từ đất lâm nghiệp, những năm gần đây, xã vận động người dân phát triển rừng kết hợp chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bạch Văn Sửu, thôn Cầu Khoai, xã Thanh Phát (Sơn Dương) chăm sóc
rừng keo 5 năm tuổi của gia đình.

Ông Dương Đức Quang, Chủ tịch UBND xã Thanh Phát cho biết, xã có hơn 800 ha rừng phòng hộ và hơn 970 ha rừng sản xuất, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 74,2%. Những năm gần đây, gỗ rừng trồng giá bán ổn định nên người dân tích cực trồng rừng, kết hợp với phát triển chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đời sống kinh tế của người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ rừng với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Hết năm 2018 xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 29,8% tổng số hộ toàn xã.

Nhiều gia đình trong xã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi kết hợp với thâm canh rừng trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ có mức thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Hiện toàn xã có tổng đàn gia súc, gia cầm trên 14.700 con, 2 trang trại và hơn 10 gia trại nông - lâm kết hợp, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động tại địa phương. Hộ ông Bạch Văn Sửu, thôn Cầu Khoai nhận 12 ha đất lâm nghiệp trồng rừng và hết hợp chăn nuôi dưới tán rừng từ năm 2008. Ban đầu gia đình ông trồng toàn bộ cây keo, khi cây khép tán ông đầu tư chăn nuôi dê. Vừa làm, vừa đầu tư, năm 2015 gia đình ông xây dựng trang trại chăn nuôi dưới tán rừng với 6.000 con gà/năm, hơn 20 con bò, 30 con lợn. Theo ông Sửu, gỗ rừng trồng đang có giá ổn định, với cách trồng rừng gối lứa, đến nay cứ khoảng 2 - 3 năm gia đình ông lại được thu hoạch 1 khoảnh rừng, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Cùng với đó, việc kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng đã đem lại cho gia đình ông tổng thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Nhiều hộ trong xã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng sắn sang trồng rừng nay đã trở thành hộ khá của thôn. Anh Phùng Khắc Hợp, thôn Lục Liêu cho biết, gia đình anh có hơn 1 ha đất lâm nghiệp trước đây trồng sắn, cuộc sống khó khăn, nhiều năm thuộc diện nghèo. Năm 2010, gia đình anh phá bỏ sắn chuyển sang trồng keo, kết hợp với nuôi cặp trâu sinh sản. Năm 2018, gia đình anh đã được công nhận thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.

Ông Nguyễn Xuân Trác, Trưởng Trạm kiểm lâm Sơn Nam, phụ trách địa bàn xã Thanh Phát cho biết, trong 3 năm trở lại đây số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng của xã giảm hẳn, ý thức về bảo vệ rừng phòng hộ của người dân được nâng lên. Xã Thanh Phát có 560 ha rừng phòng hộ được giao khoán cho 25 hộ gia đình trông coi, bảo vệ với mức hỗ trợ 400.000/ha, nhiều hộ đã trông coi rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND, xã được hỗ trợ 22,5 ha cây giống keo lai nuôi cấy mô khuyến khích người dân phát triển kinh tế từ rừng gỗ lớn.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi đang mở ra hướng đi phù hợp cho người dân. Trong thời gian tới, xã tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch để phát triển các mô hình bền vững, tránh tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, bảo đảm không ngừng phát huy giá trị của kinh tế rừng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/thanh-phat-lam-giau-tu-trong-rung-va-chan-nuoi-118599.html