'Thành phố 15 phút' trở thành thuyết âm mưu toàn cầu

Ý tưởng xây dựng 'thành phố 15 phút' nhằm hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường bị những người ủng hộ thuyết âm mưu diễn giải thành kế hoạch tước đoạt quyền tự do của người dân.

Duncan Enright, chính trị gia tại Oxford, Anh, đã trở thành nạn nhân những lời đe dọa đầy bạo lực sau khi tham gia kế hoạch giảm lưu lượng giao thông của thành phố.

Oxford là một trong những đô thị có lượng xe cộ dày đặc nhất ở Anh. Kế hoạch của chính quyền thành phố nhằm giảm lượng phương tiện di chuyển trong giờ cao điểm, theo đó người dân phải có giấy phép để đi qua các nút giao thông trên 6 con đường chính của thành phố.

Enright cho biết những lời đe dọa được gửi tới ông những ngày gần đây chủ yếu bằng thư điện tử, phần lớn đến từ những người không có liên hệ gì với Oxford, thậm chí đang sống bên ngoài nước Anh.

Những người đe dọa cáo buộc kế hoạch của chính quyền thành phố nhằm trói buộc người dân tại khu vực họ thường sống, hay đây là một phần trong âm mưu toàn cầu nhằm kiểm soát xã hội dưới chiêu bài biến đổi khí hậu.

"Tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này suốt những năm làm việc ở chính quyền địa phương", ông Enright nói.

Oxford thành tâm điểm chú ý của những người tin vào thuyết âm mưu bởi kế hoạch giảm lưu lượng giao thông được kết hợp với đề xuất tạo ra "thành phố 15 phút". Một cuộc biểu tình chống lại mô hình "thành phố 15 phút" cũng như kế hoạch giảm lưu lượng giao thông đã nổ ra ở Oxford tuần qua.

Sự kiện tại Oxford phản ánh mức độ lan truyền ngày càng trầm trọng của thuyết âm mưu vô căn cứ coi những kế hoạch giảm mật độ giao thông, giảm khí thải, tăng cường đi bộ và đạp xe ở các thành phố lớn là kế hoạch nhằm tước đoạt quyền tự do của công dân.

Thành phố 15 phút là gì?

Những người thúc đẩy thuyết âm mưu cáo buộc "thành phố 15 phút" là một mô hình xã hội mà ở đó không cho phép người dân rời khỏi khu vực mình sinh sống, hay có cách gọi khác là "giam giữ trong đô thị".

Tuy nhiên, ý tưởng của mô hình "thành phố 15 phút" là tất cả những gì con người cần sẽ luôn nằm trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc đạp xe kể từ nhà của mỗi người, từ chăm sóc y tế, giao dục, cửa hàng tiện lợi, cho đến không gian xanh.

Mục đích của mô hình là biến các thành phố lớn thành nơi đáng sống và kết nối hơn. Ít sử dụng xe hơi giúp không khí trong sạch hơn, đường phố xanh hơn, lượng khí nhà kính giảm đi.

 Mô hình khu dân cư 15 phút ngày càng phổ biến. Ảnh: CNN.

Mô hình khu dân cư 15 phút ngày càng phổ biến. Ảnh: CNN.

Theo Statista, khoảng 20% khí nhà kính đến từ hoạt động giao thông, xe cá nhân chiếm 40% trong số đó.

Giáo sư Carlos Moreno của Đại học Sorbonne là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "thành phố 15 phút". Tuy nhiên, ý tưởng về những thành phố như vậy không phải mới và từ lâu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Tại Paris, Thị trưởng Anne Hidalgo đã đưa "thành phố 15 phút" vào kế hoạch tranh cử năm 2020. Sau khi nhậm chức, bà Hidalgo cấm ôtô tại một số khu vực quanh sông Seine, bổ sung hàng trăm km đường dành riêng cho người đi xe đạp, đồng thời quy hoạch thêm nhiều công viên nhỏ.

Các khu dân cư 15 phút, 20 phút cũng đã được thành lập ở Ottawa của Canada hay Melbourne của Australia. Tại Barcelona của Tây Ban Nha, chính quyền thành phố đang theo đuổi kế hoạch tạo ra những khu phố không có ôtô.

Thuyết âm mưu về tước đoạt quyền tự do cá nhân

Từ lâu, các ông lớn trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã tìm cách khơi gợi sự bất mãn với những chiến dịch bảo vệ môi trường trong công chúng , sử dụng những thuật ngữ mang tính công kích như "chuyên chế khí hậu". Những nỗ lực ấy vốn không mấy thành công, cho tới khi Covid-19 ập đến.

Trong thời gian Covid-19 hoành hành, đã có nhiều bài báo kêu gọi xây dựng một thế giới sau đại dịch có khả năng duy trì mức độ ô nhiễm thấp có được do các biện pháp phong tỏa. Những bài báo ấy sau đó bị sử dụng để truyền bá cáo buộc các chính phủ muốn hạn chế quyền tự do của công dân nhân danh bảo vệ môi trường.

Thuật ngữ "phong tỏa khí hậu" được các hãng truyền thông và tổ chức nghiên cứu cánh hữu nhắc tới ngày càng nhiều. Nội hàm của thuật ngữ này là nhà chức trách sẽ phong tỏa các thành phố lớn nhằm đạt được mục tiêu khí hậu.

 Cuộc biểu tình chống mô hình thành phố 15 phút ở Oxford, Anh. Ảnh: The Week.

Cuộc biểu tình chống mô hình thành phố 15 phút ở Oxford, Anh. Ảnh: The Week.

Từ đây, bắt đầu xuất hiện những thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 là sản phẩm do những thế lực ngầm gây ra nhằm hạn chế quyền tự do của người dân ở quy mô toàn cầu, với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào 2030.

Đại dịch Covid-19 làm hàng triệu người bị sang chấn tâm lý, việc các chính phủ mạnh tay phong tỏa và có các biện pháp chống dịch quyết liệt cũng khiến người dân lo ngại cho quyền tự do cá nhân. Thực tế ấy khiến nhiều người bắt đầu tin vào các thuyết âm mưu.

Ý tưởng thành phố 15 phút đã bị những người đứng sau thuyết âm mưu diễn giải là một hình thức "phong tỏa khí hậu". Giáo sư Carlo Ratti của Đại học MIT cho rằng các thuyết âm mưu đã có tình lý giải sai lầm bản chất của ý tưởng thành phố 15 phút.

"Đúng là không thể tạo ra một thành phố thực sự nếu chỉ bao gồm các khu dân cư khép kín. Nhưng ý tưởng là cho phép người dân có thể tự do lựa chọn phạm vi họ sinh sống, chứ không bắt buộc họ phải sống cô lập trong phạm vi của mình", ông Ratti nói.

Hồi đầu tháng 2, trước Hạ viện Anh, Hạ nghị sĩ Nick Fletcher có bài phát biểu chỉ trích ý tưởng thành phố 15 phút, cảnh báo mô hình này sẽ tước đoạt quyền tự do cá nhân.

Cuối tuần qua, hàng nghìn người từ khắp nơi trên nước Anh đã đổ về Oxford biểu tình phản đối kế hoạch hạn chế giao thông và đề xuất xây dựng thành phố 15 phút.

Hiển nhiên, mô hình thành phố 15 phút vẫn có nhiều điểm yếu, trong đó đáng quan ngại nhất là xé lẻ các đô thị cùng nguy cơ bất bình đẳng giàu nghèo. Ông Enright thừa nhận người dân có quyền lo ngại và nhà chức trách Oxford sẽ phải tiếp tục tham vấn trước khi có bất cứ hành động nào.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-pho-15-phut-tro-thanh-thuyet-am-muu-toan-cau-post1407810.html