Thành phố Buôn Ma Thuột: Vì sao cần cơ chế, chính sách đặc thù?

Ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững

Ngày 24/9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đưa dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào chương trình kỳ họp thứ 4 để xin ý kiến Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Trước đó, nêu về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là cần thiết.

Nêu lý do cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Một là, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Đây là vùng cao nguyên quy tụ 40 dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã chỉ ra, thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số kết quả như: Kinh tế tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, thành phố Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột chưa đạt yêu cầu đề ra.

"Thành phố Buôn Ma Thuột chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, chưa trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong Vùng" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Hai là, tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.

Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiêp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương: Tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố xứng tầm với đô thị trung tâm của Vùng. Tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để thu hút đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế (cả trong nước và ngoài nước) trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách mới, đặc thù, phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội riêng có của Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên để tạo đột phá đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Đồng thời, giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Tỉnh ủy Đắk Lắk sớm xây dựng trình Quốc hội đề án cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính thống nhất, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

"Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nào được hưởng ưu đãi thuế?

Khác với các địa phương đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trước đây là áp dụng cho địa bàn cấp tỉnh, tại Kết luận số 67-KL/TW, Bộ Chính trị giao Chính phủ lập Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Quốc hội đối với thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk và phải bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột

Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù áp dụng cho đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Do đó, để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Đắk Lắk theo hướng áp dụng các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng với các địa phương vừa qua như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa nhưng phạm vi áp dụng các chính sách này sẽ chỉ thực hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (Điều 3), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, về mức dư nợ vay: Tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên: Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm nêu trên được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân cấp của thành phố Buôn Ma Thuột.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 4), dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại Thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (Điều 6), chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-buon-ma-thuot-vi-sao-can-co-che-chinh-sach-dac-thu-221044.html