Thành phố cảng thành 'điểm nóng' giao tranh mới giữa Nga và Ukraine

Mariupol trở thành điểm nóng ngày 5/3, khi các bên đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn để sơ tán người dân - điều từng xảy ra với thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở vùng Donbas.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này sẽ ngừng bắn từ sáng ngày 5/3 (giờ địa phương), đồng thời thiết lập các hành lang nhân đạo để người dân rời Mariupol và Volnovakha.

Tuy nhiên, các bên sau đó đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Quan chức Ukraine cáo buộc Nga không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, làm ảnh hưởng tới kế hoạch cho phép người dân sơ tán khỏi các thành phố tuyến đầu.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng của nước này bị nã súng sau khi thiết lập hành lang nhân đạo cho người dân.

Tại cuộc gặp trực tuyến với Thượng viện Mỹ ngày 5/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí sát thương, cũng như trừng phạt vào dầu mỏ và tài chính Nga. Ông cũng mong muốn các nước Đông Âu viện trợ các mẫu máy bay chiến đấu do Nga chế tạo như SU hay MiG.

Điểm nóng miền Nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ tiếp tục tiến hành tấn công Mariupol và Volnovakha, do "phía Ukraine không muốn kéo dài lệnh ngừng bắn".

Thành phố Mariupol liên tục chịu sự tấn công của Nga trong những ngày qua. Người dân mắc kẹt trong các hầm trú bom mà không có thức ăn, nước uống, máy sưởi. Viện trợ các thiết bị y tế và lương thực dường như bất khả thi, khi quân đội Nga bao vây thành phố.

“Những gì tôi từng nghĩ là ác mộng không thể so sánh với điều tôi đang chứng kiến. Bất cứ lúc nào ra đường, một quả tên lửa có thể bay đến ngay cạnh bạn”, Diana Berg, cư dân Mariupol, nói với New York Times.

Cùng với Kherson và Odessa, Mariupol là thành phố mang ý nghĩa chiến lược của Ukraine, nằm giữa vùng Donbas và bán đảo Crimea.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết Ukraine vẫn kiểm soát các thành phố Kharkiv, Chernihiv, Mariupol, và Sumy, dù quân đội Nga nhiều khả năng đã bao vây cả 4 thành phố.

 Khói bốc lên sau các cuộc pháo kích tại Mariupol ngày 4/3. Ảnh: AP.

Khói bốc lên sau các cuộc pháo kích tại Mariupol ngày 4/3. Ảnh: AP.

Các nhà phân tích phương Tây nói rằng Nga sắp tấn công vào thành phố cảng Mykolaiv, nhưng cũng có khả năng Moscow sẽ bỏ qua thành phố này và tiến thẳng vào Odessa - trụ sở của Hải quân Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết lực lượng Nga đã tấn công vào các cơ sở dân sự như trường học, khu dân cư, bệnh viện, nhà thờ, cũng như vào phương tiện của người dân đang sơ tán.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra Kherson - thành phố lớn đầu tiên bị Nga kiểm soát - ngày 5/3. Thị trưởng thành phố Ihor Kolykhaev cho biết đám đông lên đến 2.000 người, và quân đội Nga đã bắn chỉ thiên để giải tán đoàn biểu tình.

Không có vùng cấm bay

Tại cuộc gặp với Thượng viện Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lặp lại lời kêu gọi phương Tây áp đặt vùng cấm bay với Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO từ chối yêu cầu này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cách duy nhất để lập vùng cấm bay là điều máy bay NATO đến không phận Ukraine, và bắn hạ những máy bay Nga vi phạm - điều có thể kéo phương Tây vào một cuộc chiến với Nga. Ông Zelenskiy nói rằng NATO đã “bật đèn xanh” cho Nga tiếp tục đánh bom Ukraine khi không áp đặt vùng cấm bay.

Tổng thống Putin cho rằng bất cứ quốc gia nào thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine sẽ bị Moscow coi là một bên tham chiến, theo AFP.

“Một nước có bất cứ động thái nào theo hướng này sẽ bị coi là tham gia vào xung đột vũ trang”, ông Putin cảnh báo.

Tổng thống Putin nhận định những đòn trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga tương đương lời tuyên chiến, nói thêm rằng Ukraine cần phải được phi quân sự hóa và phải trung lập

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi phương Tây áp đặt thêm trừng phạt đối với Nga trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

Ông Kuleba cho biết đã có cuộc thảo luận "hiệu quả" với ông Blinken. Ukraine kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí, cũng như tiếp tục làm suy yếu kinh tế và tài chính Nga. Ông tự tin rằng Mỹ và Ukraine sẽ có kết quả từ các cuộc đàm phán trong vài ngày tới.

Khủng hoảng nhân đạo

Đã có ít nhất 1,3 triệu người Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng sau 10 ngày. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi nói rằng đây là cuộc di cư nhanh nhất kể từ Thế chiến II.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết họ "hiểu" tình hình ở Mariupol và Volnovakha rằng người Ukraine sẽ không thể sơ tán bằng hành lang nhân đạo trong ngày 5/3 do Nga thông báo tiếp tục tấn công.

"Chúng tôi vẫn đối thoại với các bên về việc di chuyển an toàn cho người dân từ các thành phố ảnh hưởng bởi xung đột", tổ chức này tuyên bố.

 Hàng nghìn người tập trung tại Lviv, miền Tây Ukraine, sau khi sơ tán khỏi thủ đô Kyiv. Ảnh: New York Times.

Hàng nghìn người tập trung tại Lviv, miền Tây Ukraine, sau khi sơ tán khỏi thủ đô Kyiv. Ảnh: New York Times.

Ba Lan là nước tiếp nhận người Ukraine đông nhất, nhưng ông Grandi quan ngại với tình hình tại Moldova. Quốc gia này không phải thành viên Liên minh châu Âu (EU) - do đó không nhận được hỗ trợ từ khối - và là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Có hơn 200.000 người vượt biên từ Ukraine sang Moldova kể từ khi chiến sự nổ ra ngày 24/2, theo New York Times.

Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc ghi nhận 351 dân thường thiệt mạng và 707 người bị thương chỉ trong ngày 4/3.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-pho-cang-thanh-diem-nong-giao-tranh-moi-giua-nga-va-ukraine-post1300553.html