Thành phố cổ Hebron biết bao giờ bình yên?

Nằm ở độ cao 930m so với mực nước biển, ẩn mình trên những ngọn đồi cách Jerusalem hơn 30 km về phía Nam, thành phố Hebron từng là kiểu mẫu cho sự chung sống giữa người Do Thái và Hồi giáo…

Trẻ em bên bức tường ngăn cách ngoài một trường mẫu giáo nằm gần phố Shuhada ở Hebron. (Nguồn: Aljazeera)

Theo Tổng cục Thống kê Palestine (PCBS), Hebron là thành phố lớn nhất ở Bờ Tây và lớn thứ hai, sau Gaza, trong số các vùng lãnh thổ của Palestine, với dân số khoảng 215 nghìn người (năm 2016). Thành phố này nổi tiếng với các loại nông sản tươi ngon như nho, quả vả, hay các xưởng chế tác đồ gốm và thổi thủy tinh tinh xảo.

Đặc biệt, Hebron là nơi duy nhất ở Bờ Tây có cộng đồng người Do Thái sinh sống giữa lòng một thành phố của người Palestine. Theo thỏa thuận với Chính quyền Palestine năm 1997, Israel sơ tán khỏi 80% thành phố Hebron, chỉ ở lại khu vực nhỏ xung quanh Thành Cổ - nơi có 1.000 người Do Thái định cư giữa khoảng 30.000 người Palestine. Trong khi người Do Thái coi Hebron là nơi linh thiêng thứ hai sau Jerusalem, người Hồi giáo lại coi đây là một trong bốn thánh địa của họ.

Mâu thuẫn dai dẳng

Đầu thế kỷ XX, người Do Thái và Arab sống ở Hebron sử dụng chung thánh đường, các cửa hàng, bệnh viện... Tuy nhiên, khi số người Do Thái theo Chủ nghĩa phục quốc (Zionism) đến Hebron nhiều hơn, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc Arab, mối quan hệ giữa người Do Thái và người Arab ngày càng bất ổn. Căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm với vụ thảm sát 67 người Do Thái năm 1929. Cho đến ngày nay, người định cư Israel ở Hebron vẫn nhắc đến vụ thảm sát này trong các câu chuyện về lịch sử của họ.

Với lịch sử bắt nguồn từ thời cổ đại, Hebron là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới. Hebron trong tiếng Hebrew và tiếng Arab đều có nghĩa là Người bạn.

Sau Cuộc chiến Sáu ngày 1967, Israel chiếm đóng Bờ Tây, Hebron trở thành một trong những biểu tượng nổi bật nhất của xung đột giữa Israel và Palestine. Nhắc đến Hebron, người ta nghĩ tới sự chiếm đóng, các khu định cư, giờ giới nghiêm, các cuộc đột kích, các bức tường thành, hàng rào thép gai, trạm kiểm soát... Một năm sau Cuộc chiến Sáu ngày, khu định cư Kiryat Arba của người Do Thái được thành lập ở ngoại ô Hebron. Tuy nhiên, một số người định cư Kiryat Arba đã sớm tiến sâu vào Thành Cổ, chiếm các khu vực gần Nhà thờ Ibrahimi và thiết lập các khu định cư mới. Trong những thập kỷ tiếp theo, dưới sự bảo vệ của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), người Do Thái đến Hebron nhiều hơn, và người Palestine xem họ là những kẻ chiếm đóng thù địch. Theo The Jerusalem Post, người Palestine cho rằng, bạo lực thường xuyên xảy ra ở Hebron phần lớn xuất phát từ sự hiện diện không kiểm soát được của những người định cư Israel “hiếu chiến” và “không tôn trọng quyền của người Palestine”.

Năm 1994, sau vụ thảm sát 29 tín đồ Palestine đang cầu nguyện tại Nhà thờ Ibrahimi, các khu chợ nhộn nhịp của người Palestine phải ngừng hoạt động, nhiều trạm kiểm soát được dựng lên trên toàn thành phố. Vụ thảm sát cũng dẫn đến sự ra đời của Lực lượng quốc tế hiện diện tạm thời tại Hebron (TIPH), theo Nghị quyết 904 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 18/3/1994. Tháng 1/1997, Nghị định thư Hebron - được ký kết giữa Israel và Palestine - đã dẫn tới việc chuyển giao đa số diện tích vùng này cho Chính quyền Palestine. Hebron được chia làm hai khu vực là H1, nơi định cư của người Palestine, chiếm 80% thành phố và H2 do Israel kiểm soát. Cũng theo Nghị định thư, chính quyền Palestine được phép cung cấp dịch vụ cho hàng chục nghìn người Palestine đang sinh sống ở H2 nhưng không có cảnh sát hay lực lượng an ninh Palestine ở khu vực này.

Theo The Guardian, H1 là một thành phố Arab điển hình với trung tâm thương mại và quán xá nhộn nhịp. Bên kia hàng rào chắn và các trạm kiểm soát là khu vực H2 nhỏ hơn với những ngôi nhà kiên cố và được quân đội Israel bảo vệ nghiêm ngặt. Do có tới 30.000 người Palestine sống trong khu H2, nơi đây thường bao trùm bởi bầu không khí căng thẳng, ảm đạm với hình ảnh hàng quán đóng cửa im lìm, các con phố vắng vẻ, những chiếc xe buýt chống đạn đưa người định cư đến và đi từ Jerusalem…

Khi hai cuộc nổi dậy (Intifada) của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel tại Bờ Tây và Dải Gaza bùng nổ năm 1987 và 2000, IDF tăng cường sự hạn chế di chuyển đối với người Palestine, thiết lập thêm các trạm kiểm soát, đóng cửa một số tuyến đường, nghiêm cấm lưu thông xe cộ…, khiến cuộc sống thường nhật của người dân ở Hebron bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Aljazeera, các biện pháp an ninh của Israel cùng sự quấy nhiễu từ những người định cư Do Thái đã khiến nhiều người Palestine phải rời khỏi khu vực H2. Báo cáo năm 2007 của tổ chức B'Tselem cho biết 42% người Palestine sống ở H2, tương đương với hơn 1.000 gia đình, buộc phải rời bỏ nhà cửa từ năm 1994.

Những người lính Israel có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trong chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Hebron, ngày 4/9/2019. (Nguồn: JTA)

Khát vọng hòa bình

Tzipi Schlissel sống ở Hebron từ năm 2001 và quản lý bảo tàng của cộng đồng Do Thái tại đây. Bà của Schlissel đã được một gia đình Arab giải cứu trong vụ thảm sát tại Hebron năm 1929, còn cha của cô bị một người đàn ông Arab sát hại năm 1998. Dù biết rằng không phải ai trong số những người Palestine ở Hebron cũng có thái độ thù địch với những người định cư như cô, nhưng Schlissel vẫn cảm thấy khó có thể thân thiện với họ.

Còn đối với Sundus Azza, một người Palestine 25 tuổi đang sống cùng gia đình ở phố Tel Rumeida thuộc khu vực H2, cách khu định cư của Israel chỉ chừng 10m, cảm giác sợ hãi luôn thường trực. Gia đình cô thường xuyên phải đối mặt với sự quấy rối của những người định cư Israel. Tuy nhiên, Azza vẫn hy vọng một ngày nào đó, cô và gia đình có được cuộc sống bình thường. “Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhiều trạm kiểm soát hơn… nhưng chúng tôi không thể mất hy vọng. Tôi ước rằng không có trạm kiểm soát, không có khu định cư, không có chiếm đóng, nếu thế thì thật tuyệt vời!”, Azza nói.

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế coi các khu định cư Do Thái là bất hợp pháp và là rào cản chính cho hòa bình khi chúng được xây dựng trên vùng đất mà người Palestine coi là một phần nhà nước tương lai của họ. Tuy nhiên, tháng 10/2018, chính quyền Israel đã phê duyệt 6 triệu USD để mở rộng khu định cư ở Hebron với việc xây dựng 31 căn nhà mới. Tiếp đó, trong một động thái khiến căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng, chính quyền Israel ngày 28/1/2019 tuyên bố đình chỉ hoạt động của TIPH, nhấn mạnh “không cho phép một lực lượng quốc tế có hành động chống lại chúng tôi tiếp tục tồn tại (ở Hebron)”.

Phía Palestine cho rằng quyết định trên của Israel là bước đi bổ sung nhằm vô hiệu hóa các hiệp ước đã ký của Israel, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc tiếp tục triển khai sự hiện diện quốc tế ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, gồm Đông Jerusalem.

Mới đây nhất, ngày 4/9 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có chuyến thăm gây tranh cãi tới Hebron để tưởng nhớ 67 người Do Thái bị giết hại tại đây năm 1929. The Jerusalem Post nhận định chuyến thăm cho thấy tầm quan trọng của Hebron đối với Nhà nước Israel hiện đại, thể hiện ý định giữ lại ít nhất một phần của thành phố này trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Palestine. Trong khi chính quyền Palestine lên án chuyến thăm là hành động khiêu khích, mang động cơ chính trị, nhiều thanh niên Palestine ném đá và pháo vào binh sĩ Israel tại trung tâm Hebron.

Mặc dù Tổng thống Israel Reuven Rivlin cho rằng Hebron không phải là rào cản cho hòa bình và đây là thử thách cho khả năng chung sống hòa hợp giữa người Do Thái và Arab, nhưng những gì đã và đang diễn ra ở Hebron cho thấy, thật khó tưởng tượng về một tương lai tươi sáng cho những người dân sinh sống ở thành phố linh thiêng này.

Ngày 7/7/2017, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa Thành cổ Hebron vào danh sách di sản thế giới cần được bảo vệ. Phía Israel chỉ trích quyết định trên là sự phủ nhận đối với lịch sử Do Thái của Hebron. Phía Palestine thì cho rằng quyết định của UNESCO là “một thành công” đối với nỗ lực ngoại giao của họ.

Ngày 7/7/2017, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa Thành cổ Hebron vào danh sách di sản thế giới cần được bảo vệ. Phía Israel chỉ trích quyết định trên là sự phủ nhận đối với lịch sử Do Thái của Hebron. Phía Palestine thì cho rằng quyết định của UNESCO là “một thành công” đối với nỗ lực ngoại giao của họ.

Nhật Nguyên

(tổng hợp)

Nhật Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-pho-co-hebron-biet-bao-gio-binh-yen-101058.html