THÀNH PHỐ CỦA HÒA BÌNH, HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

65 năm đã trôi qua, kể từ ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, Hà Nội-Trái tim của cả nước đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện. Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội-Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn, an toàn của mọi du khách.

Không riêng người Việt Nam mà những du khách nước ngoài, dù đến Hà Nội một lần hay nhiều lần đều thể hiện sự cảm mến và có những ấn tượng rất tốt đẹp về Thủ đô Hà Nội, về đất nước Việt Nam. Câu chuyện về những nguyên thủ nước ngoài trong các chuyến công du đến Việt Nam có thể thoải mái tập thể dục buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm, hay đi dạo cùng người dân trên những con phố cổ xưa, hoặc bình thản nhâm nhi ly cà phê trong chiếc quán nhỏ bên hè phố… là những minh chứng cho sự bình yên, mến khách và hết sức thân thiện của người dân Việt Nam.

Sẽ không khó lý giải, cắt nghĩa cho điều này với những ai đã hiểu về lịch sử truyền thống và văn hóa của Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đi lên từ đói nghèo, khát khao được độc lập, được tự do nên mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Nội nói riêng luôn trân trọng giá trị của hòa bình. Các thế hệ người Việt Nam luôn răn dạy, nhắc nhở nhau đạo lý “Thương người như thể thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Những đạo lý ấy là nền tảng vững chắc để xây dựng nên nhân cách Việt Nam, giá trị Việt Nam. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng Thủ đô Hà Nội là thông điệp toàn diện và đầy đủ nhất mà Việt Nam gửi đến bạn bè thế giới.

 Một góc khu đô thị tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Một góc khu đô thị tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Thế giới không ngừng thay đổi, nhất là sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc trong thời đại hôm nay. Nhận thức đúng quy luật khách quan, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã và đang tích cực mở rộng, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng đã có những lo ngại của những ngày đầu thực hiện đường lối đổi mới: Mở cửa để hội nhập liệu có làm mất đi bản sắc của Hà Nội. Và liệu Hà Nội có còn là Hà Nội? Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, thực tiễn đời sống xã hội của Hà Nội và cả nước đã trở thành câu trả lời khách quan nhất, khoa học và thuyết phục nhất. Hà Nội-Việt Nam không những vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, những nét văn hóa truyền thống mà đời sống của người dân ngày càng trở nên phong phú hơn, Thủ đô trở nên hiện đại, văn minh và phát triển hơn.

Hà Nội vẫn giữ được trong mình những nét văn hóa hào hoa, thanh lịch. Hà Nội ngày càng không ngừng phát triển và đi lên. Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn, thanh bình cho mọi du khách. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Hà Nội. Đó còn là sự đóng góp của cả nước nói riêng, bạn bè thế giới nói chung đối với Hà Nội. Và đó còn là văn hóa của người Hà Nội, nơi kết tinh và hội tụ giá trị văn hóa Việt Nam: Khát vọng hòa bình, sống nhân nghĩa và bao dung.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thanh-pho-cua-hoa-binh-hoi-nhap-va-phat-trien-593143