Thành phố của những cây cầu

Hà Nội hiện có 7 cầu vượt sông Hồng. Những cây cầu này đã phần nào giảm tải giao thông cho nội đô, giảm mật độ dân số cho vùng lõi và kết nối liên vùng, phát triển đô thị.

Thủ đô Hà Nội hiện nay đã có gần chục cây cầu nối đôi bờ sông Hồng. Hơn một thế kỷ qua, những cây cầu của thủ đô Hà Nội đã trở thành những nhân chứng cho sự phát triển văn minh, hiện đại của thành phố nghìn năm tuổi.

Những cây cầu bắc qua sông Hồng làm tăng khả năng kết nối, giúp cho hoạt động trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa… ngày càng được thuận tiện. Khi cầu xây xong, kéo theo sự thay đổi về cuộc sống của những người dân sinh sống phía hai bên cầu.

Việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng đã góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, giãn mật độ dân cư trung tâm thành phố, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thủ đô.

Cầu Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên nối hai bờ sông Hồng của Hà Nội. Cầu Long Biên đã trở thành một phần lịch sử của thành phố và đóng vai trò kết nối giao thương giữa hai bên bờ sông Hồng.

Từ Cầu Long Biên, cây cầu hơn một thế kỷ thăng trầm cùng Thủ đô, đến cầu Thăng Long, Chương Dương gắn với quãng thời gian đầy gian khó trước đổi mới, tiếp đó, giai đoạn của kiến trúc cầu kết cấu bằng thép đã xuất hiện những cây cầu bê tông như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh của thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập. Sự xuất hiện trên sông Hồng cây cầu Nhật Tân, với kết cấu dây văng hiện đại, đánh dấu sự chuyển mình bứt phá của Thủ đô lên tầm cao mới.

Ở bất cứ đâu, cây cầu luôn là công trình dễ nhận biết, bởi đặc điểm nằm vắt ngang dòng chảy của con sông, giao hòa cùng khung cảnh thiên nhiên. Và đặc biệt, các cây cầu trong không gian thành phố luôn chứa đựng hoạt động đô thị sống động của con người.

Đô thị hóa là quá trình mở rộng và phát triển mạng lưới đô thị và phổ biến lối sống thành thị. Nếu thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ phía nội đô phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ bên kia dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm. Thực tế đó, đòi hỏi phải tính toán các giải pháp tối ưu đẩy mạnh kết nối vùng và tạo điều kiện cho phía hai bên cầu hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều .

Với sự xuất hiện của những cây cầu kết nối hai bờ sông, đã giúp phía bờ Bắc của sông Hồng phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các đô thị mới với quy mô hạ tầng hiện đại, đồng bộ được hình thành như khu đô thị Việt Hưng, khu đô thị Sài Đồng, khu đô thị Ecopark.

Làng gốm Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng hơn 10km về phía Đông Nam. Nơi đây lưu giữ nghề làm gốm sứ truyền thống nổi tiếng. Nhờ có những cây cầu bắc qua sông Hồng, đã giúp cho làng nghề thuận lợi hơn trong giao thương buôn bán và phát triển du lịch.

Hơn một thế kỷ qua, Hà Nội đã có nhiều cầu qua sông Hồng. Thêm một cây cầu lúc này, không chỉ vượt sông Hồng, mà cần vượt ra khỏi những toan tính bất hợp lý, xây cầu phải có thiết kế và quy hoạch tổng thể, mang lại lợi ích chung cho Thủ đô, cho đất nước, vì kinh phí để xây dựng một câu cầu là rất lớn.

Sẽ có nhiều cây cầu khác lần lượt ra đời những năm sau này, tạo nên diện mạo mới ngày càng hiện đại hơn cho thành phố. Đó vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là điểm nhấn cho sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội. Mỗi cây cầu sẽ có vẻ đẹp riêng của nó, vì vậy, những cây cầu mới sắp được hình thành ở Thủ đô trong tương lai rất cần những thiết kế có chất lượng thẩm mỹ cao để tạo nên những điểm nhấn hoàn mỹ trong lòng thành phố.

Những cây cầu, dù nhỏ hay to, đều mang trong mình những câu chuyện, kết nối từ quá khứ đến hiện tại. Nhờ có cây cầu, bên kia sông trước đây chỉ là nơi hoang vu, giờ đây sầm uất và phát triển, làm thay đổi cuộc sống của người dân sống hai bên bờ sông Hồng, để chúng ta có thể nhận diện một Hà Nội – thành phố của những cây cầu.

Đặng Công Sơn

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thanh-pho-cua-nhung-cay-cau-288328.htm