Thành phố Đà Nẵng giải quyết tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn

Nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân tại thành phố (TP) Đà Nẵng có nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt cùng những khó khăn trong trồng trọt, sản xuất.

Độ nhiễm mặn gia tăng

Tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất từ lâu đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân khu vực ven biển trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nắng nóng kéo dài trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 khiến nguồn nước chính cấp cho TP. Đà Nẵng bị nhiễm mặn. Cụ thể, từ ngày 27/4 đến 1/5, nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn hán kết hợp thủy triều dâng cao khiến độ mặn trên sông Cẩm Lệ là nguồn thu nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp nước sạch cho các quận trung tâm thành phố tăng cao. Nhiều giờ trong ngày và trong nhiều ngày duy trì từ mức 8.000 - 10.000 mg/lít.

Những ngày qua, nước sông Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn.

Những ngày qua, nước sông Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn.

Trong đó, ngày 30/4 ghi nhận độ mặn cao nhất lên đến 10.880 mg/lít, cao gấp hơn 36 lần so với quy chuẩn, đồng thời là độ mặn cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay. Độ mặn trên sông Cẩm Lệ đã đạt độ mặn cao nhất từ đầu năm đến nay, vượt hơn 36 lần so với quy chuẩn.

Bà Nguyễn Thỏa (ngụ tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi có đọc thông tin về nguồn nước bị nhiễm mặn. Đến thời điểm này, nguồn nước sinh hoạt của hộ dân chúng tôi vẫn đang được đảm bảo. Thời tiết tại TP. cũng đang nóng gay gắt, mức nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 38 - 40°C. Mong rằng nguồn nước sinh hoạt cho người dân không bị đảo lộn”.

Không để người dân thiếu nước

Trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, chính quyền TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động theo dõi, tích cực triển khai các biện pháp để đảm bảo cấp nước an toàn, đầy đủ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn.

Thông tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đắp đập tạm trên sông Quảng Huế (nằm ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam) để tăng lưu lượng nước về hạ du sông Vu Gia, đảm bảo nguồn nước cho 2 địa phương trong năm 2024.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu để cùng với các cơ quan đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Nam triển khai đắp đập tạm trên sông Quảng Huế theo ý kiến thống nhất trước đó của UBND tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, phối hợp với tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin, kế hoạch triển khai thực hiện đắp đập tạm; quản lý, vận hành đập tạm và kịp thời xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành.

Giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam tổ chức theo dõi diễn biến mực nước trên sông Vu Gia để vận hành các đập dâng thuộc hệ thống thủy lợi An Trạch nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập tạm và sử dụng nguồn nước hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam theo dõi, chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh.

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng được yêu cầu phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho lãnh đạo hai địa phương kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét, sớm tổ chức đánh giá diễn biến lòng dẫn sông Vu Gia và Quảng Huế để có giải pháp công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế phù hợp và bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để tổ chức thực hiện.

Việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế sẽ điều tiết nước từ thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) chảy về sông Yên xuống sông Cầu Đỏ, sông Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) giúp Đà Nẵng đẩy mặn, Nhà máy nước Cầu Đỏ đủ nguồn nước thô để xử lý, cung cấp nước ngọt sạch cho người dân sử dụng.

Trước đó, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa, nhà máy nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đề nghị phối hợp vận hành đảm bảo cấp nước cho hạ du.

Theo đó, để đảm bảo cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của các địa phương ở hạ du, đặc biệt việc đảm bảo cấp nước cho Đà Nẵng, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và Đắk Mi 4 nghiêm túc vận hành hồ chứa tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn, phối hợp chặt chẽ với địa phương để vận hành các hồ chứa xả nước về hạ du sông Vu Gia -Thu Bồn cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Theo bản tin dự báo khí hậu thời hạn mùa của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8/2024, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn trên khu vực hạ du sông Vu Gia có nguy cơ cao xảy ra.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-da-nang-giai-quyet-tinh-trang-thieu-nuoc-nhiem-man-170036.html