Thành phố đi đâu cũng thấy vàng bạc đá quý
Là một trong những thủ phủ thương mại trong quá khứ, Jaipur được UNESCO công nhận là một di sản thế giới vì sự độc đáo của nơi đây. Hãy đến đây vào bất kỳ ngày nào trong năm, bạn sẽ phải choáng ngợp vì nhìn đâu cũng thấy trang sức, đá quý.
Thay vì bán rau thịt cá, ở thành phố Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan, người ta bán vàng bạc và các thứ trang sức một cách “bình dân” nhất có thể trên lề đường. Hãy cùng theo chân phóng viên Harry Johnstone của tờ The Guardian đến xứ sở diệu kì này, để được đưa từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Con đường Johari Bazaar ở trung tâm thành phố Jaipur, nơi được mệnh danh là thủ phủ trang sức của thế giới.
“Thưa ông, ông muốn mua đá quý loại nào?” một người bán hàng ngồi trên vệ đường hỏi tôi. Tôi đang ở Johari Bazaar, một trong những con phố mua bán sầm uất nhất ở Jaipur. Hai bên đường, những cột nhà sơn cam-hồng rực rỡ chạy dài gần như đất vô tận, tạo nên nét độc đáo của dãy nhà phố nơi đây.
Người bán hàng mặc bộ shalwar kameez màu trắng và có vẻ không bận tâm lắm về món hàng đắt tiền trước mặt mình. Ông mở gói giấy trắng ra và phơi bày những viên đá lấp lánh đầy màu sắc. “Ngọc lục bảo, saphia, hồng ngọc,… có đủ loại cho ông chọn”, ông ta giới thiệu.
Nữ trang được bán ở ven đường như bán rau bán thịt tại các chợ.
Nhưng người đàn ông này cũng chỉ là một trong số hàng chục người bán hàng khác ngồi dọc theo con đường này. Khách mua ngã giá với người bán, trong khi con buôn thao thao bất tuyệt không chỉ về đặc tính của những hòn đá mà còn về cách “thượng đế” hợp như thế nào khi mang viên đá đó.
Đại lộ này được người dân trong vùng gọi là Con đường Đá quý bởi những cửa hàng hai bên đường chỉ bày bán những thứ trang sức đắt tiền, những vòng tay bằng vàng rực sáng, những sợi dây chuyền thu hút mắt nhìn và nhưng chiếc nhẫn đem lại hạnh phúc cho chủ nhân của nó.
Một thợ hoàn kim đang tập trung làm việc trong cửa hàng của ông tại Jaipur.
Một trong số các cửa hàng bán trang sức tại Jaipur.
Khi đặt chân đến đây để khảo sát thực tế, tôi mới biết tại sao “Thành phố của màu hồng” - tên gọi khác của nơi này - được UNESCO vinh danh là một trong những di sản của thế giới. Jaipur ngày nay phát triển từ những gì mà nó vốn có. Các con phố náo nhiệt được kết nối với nhau tại quảng trường trung tâm, nơi giao lộ càng tấp nập hơn bởi hoạt động trả giá, thương lượng.
Thành phố này cũng nổi bật với lối kiến trúc độc đáo: Cung điện Trung tâm, Pháo đài Amber, Cung điện Nước, Hawa Mahal hay Cung điện Gió, những con phố đi bộ trải đá băng qua sa thạch hồng, bức tường cao 5 tầng với lối thiết kế trông như tổ ong,…
Jal Mahal (Cung điện Nước) ở Jaipur, Ấn Độ.
Ngoài mục đích thờ phượng, thành phố Jaipur được xây dựng là dành cho thương mại. Hoạt động buôn bán đã phát triển mạnh mẽ từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay. Giờ đây, nếu du khách đặt chân đến nơi này, họ sẽ bắt gặp những cửa hàng sang trọng ở mặt phố, trong khi những con hẻm nhỏ là nơi của các nghệ nhân tỉ mẩn gắn đá quý lên những món trang sức.
Không chỉ trang sức, đá quý, Jaipur còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống tạo ra sản phẩm thảm dệt, hàng may mặc, gỗ khắc thủ công. Những làng nghề giờ đây trở thành những thương hiệu thời trang lớn nổi tiếng thế giới, như Teatro Dhora, chuyên bán sản phẩm sang trọng như túi xách, thắt lưng,…
Phụ nữ Jaipur luôn ra phố khi khoác trên mình tà áo truyền thống được sản xuất trong vùng và những bộ trang sức lấp lánh được chế tác ở địa phương.
Theo lời kể của dân địa phương, khi Jaipur được hình thành vào năm 1727, Quốc vương Jai Singh Đệ nhị đã tổ chức một cuộc rước kiệu đi qua thành phố. Tại buổi rước, người dân hai bên đường ném đá quý lên kiệu để chúc phúc cho ngài quốc vương.
Jai Singh Đệ nhị là một người rất thích những thứ trang sức lấp lánh, thế là ông quyết định đỡ đầu nơi này nhằm biến nó thành thủ phủ của các loại đá quý. Ông thực hiện các chính sách giảm thuế, khuyến khích mua bán, giúp thu hút hàng trăm ngàn thợ kim hoàn đến và vô số cửa hàng buôn bán.
Con dấu được làm từ gỗ đang được dùng để tạo họa tiết cho vải.
Tại một cửa hàng vải dệt, hai người đàn ông đang chào bán tấm vải cho những người phụ nữ.
“Sinh ra và lớn lên giữa lòng những viên đá đẹp mắt, không khó để biết được người dân tại đây bị ám ảnh bởi đồ trang sức đến thế nào”, Akshat Ghiya, chủ một cửa hiệu nữ trang lớn trên phố Johari Bazaar. Ông cho biết thêm: “Đã là dân Jaipur, không ai là không có trên mình đôi ba món trang sức và biến nơi đây thành trung tâm thế giới của những món đồ trang trí đắt đỏ”.
Đi sâu vào trong những con hẻm nhỏ, tôi tìm thấy những người thợ kim hoàn cẩn trọng tạo ra từng tuyệt tác. Narenda, một người thợ bạc già ngồi yên lặng trong một căn nhà ở góc đường Chand Pol Bazaar, cho biết ông thường đến nhà thờ Hồi Giáo để tìm nguồn cảm hứng và ý tưởng cho sản phẩm.
Narenda đi theo trường phái Kundan Meena truyền thống. Đồ trang sức của ông tạo ra ngoài sử dụng vàng hoặc bạc, còn được kết hợp với thủy tinh và điểm lên các họa tiết màu trắng, lục, đỏ hoặc lam. Sản phẩm tạo ra mang đậm âm hưởng truyền thống nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng. Vòng cổ, vương miện, hoa tai và nhẫn, là những thứ đồ trang sức tinh xảo được Narenda tạo ra và sử dụng bởi các cô dâu trong lễ cưới ở các thành phố lớn như Mumbai hay Delhi.
Akshat Ghiya đang kiểm tra một viên kim cương tại cơ sở Tallin của anh ở Jaipur.
Những viên đá quý đang được đính vào một chiếc bông tai để hoàn thành tuyệt tác thiết kế này.
Akshat Ghiya, chủ của cửa hàng Tallin Jewels, cùng hai sáng tạo mới nhất của anh.
Giới thượng lưu đến đây để tìm những món hàng đắt tiền, nhưng du khách hoặc giới bình dân vẫn có thể tìm được những món trang sức rẻ tiền mà vẫn chất lượng. Tại đây, đồ giả gần như không có nhưng du khách cần phải kiên nhẫn tìm kiếm để mua được món hời.
Trong nội ô, một bảo tàng mở cửa cho du khách chuyên trưng bày những món trang sức có tuổi đời hàng trăm năm. Một trong những vật phẩm quý giá nhất ở tầng hai của bảo tàng, là đồ cài tóc có xuất xứ Tamil Nadu được tạo tác từ thế kỷ thứ 19. Bên trên đó là hình ảnh nam thần và nữ thần Hindu cùng nhau coi sóc trần gian.
Triển lãm trưng bày đồ trang sức có tuổi đời hàng trăm năm tại Bảo tàng Amrapali, thành phố Jaipur.
Đồ trang sức theo trường phái Kundan Meena được thiết kế rất phức tạp và được trám men đầy màu sắc.
Ngoài làng nghề truyền thống và những cửa hàng làm thủ công, ở đây cũng có những cơ sở sản xuất trang sức công nghiệp với quy mô lớn. Nhà máy kim hoàn Amrapali là nơi làm việc của hơn 1.500 công nhân, nơi tạo ra vô số những món đồ nữ trang với đủ mức giá dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Thợ kim hoàn tại đây phần lớn là đàn ông và là người Bengal, trong khi con buôn là người Marwari hoặc sang trọng hơn nữa là người Rajasthani. Ngày nay, các cơ sở sản xuất không chỉ phục vụ nhu cầu trong vùng, trong nước, mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với ngành công nghiệp này ở Trung Quốc.
Amrapali Jewels được thành lập vào năm 1978, là một trong những công ty lớn nhất ở Jaipur về sản xuất trang sức quy mô lớn.
Ngọc lục bảo đang được chuẩn bị để đưa vào máy cắt nhằm tạo ra hình dạng như khuôn rồi bắt đầu đính vào các khung kim loại.
Ngọc lục bảo sau khi cắt thành những khối hình học, được bày ra sẵn nhằm chuẩn bị đính vào các khung kim loại.
Xét về tiềm lực kinh tế, rõ ràng Jaipur không thể sánh được với các công xưởng khổng lồ ở Trung Quốc. Ngoài ra, dù là sản xuất với quy mô lớn nhưng những công ty ở Jaipur vẫn đảm bảo được tính thủ công và sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, không thể làm ồ ạt như cách sản xuất công nghiệp đại trà.
Akshat Ghiya chia sẻ quan điểm của mình về sản xuất trang sức, ông cũng cho biết thêm đây cũng chính là suy nghĩ chung của người dân nơi đây, rằng “Chế tác trang sức và buôn bán chúng không chỉ đơn giản là thu lại món tiền để đảm bảo ăn ngon mặc đẹp, mà đó còn là danh dự và duy trì truyền thống của cha ông”.