Thành phố du lịch nổi tiếng Thái Lan ô nhiễm nghiêm trọng

Chiang Mai, trung tâm văn hóa và du lịch của miền bắc Thái Lan, ngày 11/4 vừa trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới - theo trang Al Jazeera.

Weenarin Lulitanonda, một người dân Chiangmai có vẻ tức giận: "Không khí mà mọi người đang hít thở ở miền bắc Thái Lan đang rút ngắn tuổi thọ của họ trong ba, bốn năm. Nó gây ra bệnh ung thư, các vấn đề sức khỏe tinh thần và nhiều vấn đề khác".

Weenarin là người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Không khí Sạch Thái Lan và bà cũng là một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Bà đang nỗ lực kêu gọi các bên liên quan giải quyết một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong khu vực. Hàng năm từ tháng 2 đến tháng 4 thường được gọi là "mùa khói mù" khi miền bắc Thái Lan phải đối mặt với ô nhiễm khói mù nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm báo động

Chiang Mai, trung tâm văn hóa và du lịch của miền bắc Thái Lan và là nơi sinh sống của khoảng 128.000 người, ngày 11/4 vừa trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua các nơi khác như Lahore, Tehran và Bắc Kinh.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Chiang Mai là rất nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Chiang Mai là rất nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

Trước đó, vào ngày 6/4, chỉ số ô nhiễm không khí tại Chiang Mai đã lên tới 223, theo công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir. Mức ô nhiễm này cao hơn gần 15 lần so với giới hạn hàng ngày do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Theo chỉ số ô nhiễm này, nồng độ PM2.5, loại bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như viêm phế quản cấp tính và mãn tính, cũng như các cơn hen suyễn, cũng ở mức rất cao.

Tại Chiang Mai, không khó để thấy được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đây. Khói mù độc hại hạn chế tầm nhìn chỉ trong vài trăm mét, không khí có mùi của lửa đốt rác.

Hàng nghìn người tại đây đang mắc các vấn đề về hô hấp. Chỉ một bệnh viện ở Chiang Mai cũng đã ghi nhận gần 13.000 bệnh nhân điều trị các vấn đề về hô hấp trong quý đầu tiên của năm 2023, theo kênh tin tức địa phương Prachatai.

Trước tình cảnh này, các nhà chức trách cũng đang tìm cách hành động. Họ phun nước vào không trung ở các khu vực trung tâm thành phố và sử dụng máy bay quân sự để tạo mây gây mưa. Chính phủ hy vọng mưa có thể giảm đi ô nhiễm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói rằng cần giải quyết vấn đề cốt lõi và cách hoạt động nông nghiệp ở nước này. Bà Weenarin nói: "Vấn đề liên quan rất nhiều đến ngành nông nghiệp".

Chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi

Nguồn lớn nhất gây ra khói mù là từ việc người dân đốt các sản phẩm thừa sau thu hoạch. Somporn Chantara, giáo sư hóa học tại Đại học Chiang Mai, giải thích rằng trong "mùa khói mù", một nửa lượng khói này đến từ việc đốt các sản phẩm thừa trong nông nghiệp. Nông dân đốt cây bụi và các loại rơm rạ để sau đó dùng chúng bón cho mía, ngô và lúa của họ. Mùa thu hoạch cũng rơi vào mùa khô nên gió hay mưa nhỏ đều không thể loại bỏ khói mù.

Quá trình đốt sau thu hoạch này cũng tạo ra rất nhiều bụi mịn PM2.5 và gây ô nhiễm thêm cho miền Bắc Thái Lan. Thêm vào đó, người dân các nước láng giềng Myanmar và Lào cũng đốt rơm rạ và góp thêm phần khói mù cho khu vực biên giới này.

Việc cải tiến hoạt động nông nghiệp dường như cũng không hề dễ dàng khi các loại máy móc hỗ trợ cũng khá đắt đỏ. Một chiếc máy gặt cũ cũng sẽ khiến người nông dân phải trả 5 triệu baht (150.000 USD). Con số này cao hơn nhiều hơn khả năng chi trả của họ nên việc đốt rơm rạ là biện pháp dễ dàng nhất.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng đốt các sản phẩm thừa sau thu hoạch này, CP Foods, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, vào giữa tháng 3 thông báo đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc ngô để đảm bảo nông dân trong chuỗi cung ứng của họ không tiến hành đốt rơm rạ. CP cho biết họ sử dụng hình ảnh vệ tinh để lập bản đồ đám cháy ở các khu vực thu hoạch và "khuyên nông dân ngừng đốt cây trồng và tận dụng gốc rạ".

Còn chính phủ cũng đã ban hành lệnh cấm đốt rơm rạ vào mùa sau thu hoạch, tuy nhiên, hiệu quả của lệnh cấm này cũng còn nhiều tranh cãi. Somporn, giáo sư của Đại học Chiang Mai, nói rằng mặc dù hành động này có tác động làm giảm mức độ ô nhiễm rõ rệt, nhưng người nông dân có thể đốt rơm rạ sớm hơn để tránh vi phạm lệnh của chính phủ.

Tình trạng này phần nào xuất phát từ việc gần như hoàn toàn không có tiêu chuẩn nào về ô nhiễm không khí trong canh tác nông nghiệp ở Thái Lan. Bà Weenarin cho biết mới chỉ có một số sức ép đến từ các khách hàng quốc tế đối với cây trồng Thái Lan.

Cũng theo chuyên gia này, có một vấn đề khác là nhiều người Thái dường như không đủ quan tâm tới ô nhiễm không khí và họ cũng chưa mạnh mẽ thúc đẩy chính phủ hành động đối với ô nhiễm không khí. Ngay cả những người dân ở phía bắc Thái Lan, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ mùa khói mù, cũng hiếm khi có ý kiến. Và trong cuộc bầu cử tháng 5 sắp tới, cũng không có đảng chính trị nào vận động về các vấn đề môi trường.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thanh-pho-du-lich-noi-tieng-thai-lan-o-nhiem-nghiem-trong-20230412093913726.htm