Thành phố Hà Nội: Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

7 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã thu hút được 979,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, xếp thứ 3 cả nước và là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư.

7 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đã thu hút được 979,7 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xếp thứ 3 cả nước và đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thu hút vốn FDI đứng thứ 3 cả nước

Trong tiến trình hội nhập, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có của Thủ đô.

 Ưu tiên những dự án chất lượng

Ưu tiên những dự án chất lượng

Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - cho hay, từ đầu năm đến nay, thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Một số chỉ tiêu về kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế ước thực hiện đến hết tháng 7 là 213.161 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán, bằng 116,0% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế ước thực hiện đến tháng 7 là 38.149 tỷ đồng, đạt 35,7% dự toán đầu năm, bằng 112,4% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đạt 2.833.577 tỷ đồng, tăng 9,58% so với 31/12/2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 9.842 triệu USD, tăng 17,2% so với 7 tháng đầu năm 2021 (cùng kỳ tăng 2%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5.439 triệu USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.403 triệu USD, tăng 17,4%.

Các chỉ số hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% (cùng kỳ tăng 8,5%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu) tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,9%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%, sản xuất trang phục tăng 8,2%,...; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 396,885 nghìn tỷ đồng, tăng 22% (cùng kỳ tăng 2,3%). Khách quốc tế đến Hà Nội đạt 337 nghìn lượt khách, gấp 2 lần so với 7 tháng đầu năm 2021 (cùng kỳ giảm 83,7%).

 Phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp thu hút đầu tư

Phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp thu hút đầu tư

Về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế từ 1987 đến nay, thành phố đã thu hút khoảng 67.811,7 triệu USD. Giai đoạn 2016-2019, Hà Nội chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 26,5 tỷ USD và là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 2 năm 2018 - 2019. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường thế giới đối mặt những khó khăn chưa từng có dẫn đến ngưng trệ các hoạt động ngoại thương, đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí toàn cầu, hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, tổng thu hút vốn FDI năm 2020 vẫn đạt 3,83 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn quốc.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thu hút FDI giảm mạnh, với số vốn thu hút đạt 1,524 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Tuy nhiên chi trong 7 tháng đầu năm 2022, thu hút FDI của thành phố đã đạt 979,7 triệu USD, vươn lên xếp thứ 3 cả nước, trong đó có 201 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 130,54 triệu USD; 109 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 375,7 triệu USD và 242 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 473,5 triệu USD.

Ưu tiên dự án chất lượng

Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.

UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 23/6/2021 về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Bên cạnh đó, tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư.

Ông NGUYỄN NGỌC TÚ – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội:

Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-ha-noi-diem-den-hap-dan-nha-dau-tu-217447.html