Thành phố Hà Nội kiến nghị bỏ yêu cầu Phiếu Lý lịch tư pháp trong một số thủ tục hành chính
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét bỏ yêu cầu Phiếu Lý lịch tư pháp trong các thủ tục hành chính về giáo dục, quản lý hồ sơ, lao động phổ thông… và một số giao dịch hành chính, thủ tục hành chính ở trong nước.
Bộ Tư pháp vừa trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố với công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.
Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị xem xét bỏ khâu trung gian là Sở Tư pháp trong quy trình cấp Phiếu Lý lịch tư pháp vì dữ liệu về lý lịch tư pháp do các cơ quan Tòa án, Thi hành án, các cơ quan chức năng trong quy trình tố tụng nắm giữ, Sở Tư pháp chỉ là khâu trung gian.
Đồng thời, tiến tới xem xét bỏ yêu cầu Phiếu Lý lịch tư pháp trong các thủ tục hành chính về giáo dục, quản lý hồ sơ, lao động phổ thông… và một số giao dịch hành chính, thủ tục hành chính ở trong nước.
Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tư pháp quy định, hướng dẫn việc sử dụng bản số Phiếu Lý lịch tư pháp để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch khác trên nền tảng số (ứng dụng VNeiD và Cổng dịch vụ công); hướng dẫn, quy định về việc lưu trữ hồ sơ điện tử, hồ sơ giấy trong thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeiD và Cổng dịch vụ công theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi, tiết kiệm hiệu quả.
Trả lời kiến nghị, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Như vậy, Sở Tư pháp là cơ quan có trách nhiệm thực hiện toàn bộ quy trình cấp Phiếu Lý lịch tư pháp từ tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp.
Để phục vụ cho công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp với thông tin được tiếp nhận từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan khác nhau (Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng…) để chủ động khai thác, sử dụng thông tin lý lịch tư pháp có từ ngày 1/7/2010.
Như vậy, Sở Tư pháp không phải cơ quan trung gian trong quy trình cấp Phiếu Lý lịch tư pháp mà là cơ quan đầu mối, có thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ Tư pháp, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu Lý lịch tư pháp.
Theo đó, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu Lý lịch tư pháp trong 14 lĩnh vực gồm: Khoa học và công nghệ, ngoại giao, nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, tư pháp, xây dựng, y tế, ngân hàng nhà nước, văn hóa, thể thao và du lịch, lao động - thương binh và xã hội, công an, quốc phòng, giao thông vận tải.
Trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ hoặc cá nhân được xuất trình Phiếu Lý lịch tư pháp (bản điện tử) nhằm tiết kiệm thời gian chi phí, tạo thuận lợi cho cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Ngày 19/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BTP quy định biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử có giá trị sử dụng như biểu mẫu, mẫu sổ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy. Đồng thời, hiện nay Bộ Tư pháp đang phối hợp các Bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, trong đó có quy định về giá trị của Phiếu Lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý, giá trị sử dụng như Phiếu Lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy.
Về kiến nghị miễn phí thực hiện thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeiD và Cổng dịch vụ công, Bộ Tư pháp cho biết ghi nhận kiến nghị và sẽ nghiên cứu, đánh giá tổng thể, bảo đảm đúng pháp luật về phí, lệ phí và phù hợp với công tác lý lịch tư pháp tại địa phương.