Thành phố Hồ Chí Minh - 45 năm năng động, phát triển

Nhớ đến giai đoạn sau ngày tiếp quản Sài Gòn, PGS-TS Phan Xuân Biên - Viện Nghiên cứu phát triển thành phố kể, người dân Sài Gòn - Gia Định lo lắng khi phải ăn độn bo bo, khoai, sắn, mà tỉ lệ độn có khi lên đến 90%. Đói kém, tệ nạn xã hội cộng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động và tàn dư của chế độ cũ để lại, đặt Thành phố trước thách thức phải có bước đột phá để thoát ra khỏi khủng hoảng.

Với chủ trương bám sát vào thực tiễn, đặc điểm lịch sử và con người để chọn ra hướng đột phá chủ yếu, đưa thành phố thoát khỏi khó khăn chồng chất, Thành ủy TP Hồ Chí Minh khi đó đã kiên trì với chủ trương tăng cường xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó cùng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ bằng những bước đi mang tính đột phá như mạnh dạn “xé rào”, thực hiện cơ chế “cởi trói” để thúc đẩy sản xuất hồi phục; cải tiến lĩnh vực lưu thông, phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường khu vực Nam bộ và thị trường quốc tế để tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Hình ảnh người dân Thành phố Hồ Chí Minh ăn mừng ngày chiến thắng qua hình tượng sân khấu hóa.

Hình ảnh người dân Thành phố Hồ Chí Minh ăn mừng ngày chiến thắng qua hình tượng sân khấu hóa.

Những giải pháp như xóa bao cấp, thực hiện 3 cải thiện lợi ích, trả lương theo sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá và hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục ngành tiểu thủ công nghiệp… Từ chủ trương “xé rào” này, một loạt cơ sở sản xuất như: Công ty Lương thực thành phố, Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú, Dệt Việt Thắng, Công ty bột giặt Viso, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp cơ khí Caric… đã được phục hồi, trong đó có nhiều công ty, nhà máy vẫn đang là doanh nghiệp mạnh của thành phố và cả nước hiện nay.

Động lực để thành phố mang tên Bác phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay, theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, đó là truyền thống năng động, sáng tạo, không chịu bó tay trước khó khăn, thách thức của thành phố. Đây cũng là nơi sáng tạo ra các thể chế từ đòi hỏi thực tiễn của đời sống kinh tế như chế định các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh; xây dựng KCX-KCN tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu và thực hiện kinh tế mở.

Thành phố cũng là nơi mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của cơ chế thị trường khi tiên phong thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tạo mô hình thực tiễn để tổ chức lại hệ thống DNNN.

Về huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển, thành phố cũng là nơi tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng nhằm giải bài toán phát triển đô thị; phát hành trái phiếu dự án, trái phiếu đô thị và nhượng quyền khai thác đường bộ cho các thành phần kinh tế hoặc thành lập các công ty đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng đô thị. Sản xuất phát triển, quy mô kinh tế thành phố ngày càng được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số trong nhiều năm liền.

Các nguồn lực xã hội được thu hút đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên hàng năm, đã vượt qua mức 5,2 ngàn USD/năm những năm gần đây, cao gấp 10 lần so với thời điểm 10 năm sau giải phóng. Những chỉ số ấn tượng về KT-XH này đã đưa TP Hồ Chí Minh nhanh chóng vươn lên thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Là thành phố năng động, cùng với phát triển KT-XH, 45 năm qua, diện mạo đô thị của TP Hồ Chí Minh cũng ngày càng khang trang, hiện đại hơn; không gian đô thị được điều chỉnh, gắn với vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới, nhất là các tuyến đường vành đai và trục xuyên tâm, quy hoạch phát triển giao thông trên cao và đường ngầm…

Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Chia sẻ về vấn đề kết nối giao thông liên vùng giữa thành phố với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ nhằm tăng cường khả năng hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành trong khu vực, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc này sẽ tạo thêm động lực tương hỗ để thành phố và các tỉnh, thành cùng phát triển. Để phục vụ phát triển KT-XH của thành phố, năm 2019, nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông lên đến 2.885 tỷ đồng. Năm nay, lĩnh vực này tiếp tục được đầu tư số vốn tương ứng.

Phân tích về những định hướng phát triển bền vững kinh tế thành phố trong những năm tới, người đứng đầu thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động kinh tế, thương mại trên không gian thực và không gian mạng. Đón đầu xu thế này, thành phố mang tên Bác đang đẩy mạnh việc triển khai các bước xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh; đề án hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông cũng đã được xúc tiến.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng Tư lịch sử này, chính quyền thành phố đã xin ý kiến Trung ương về việc sáp nhập 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) để hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố theo mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Cũng giống như việc thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội mà thành phố đang được phép áp dụng, một lần nữa, đây cũng là việc trước nay chưa có tiền lệ. Nếu được chấp nhận, thành phố mang tên Bác là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng mô hình thành phố trực thuộc thành phố.

Khi thành phố phía Đông được hình thành trong lòng thành phố, sẽ tạo thêm tiềm lực để xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bởi quận 2 với diện tích khoảng 50km2, là nơi có Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoạch định là trung tâm thương mại, tài chính mang tầm quốc tế. Quận 9 với diện tích 114 km2, tiếp giáp với các đô thị mới của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, là nơi có Khu công nghệ cao, điểm cuối của tuyến metro số 1 cùng những dự án lớn về sản xuất, công nghệ sẽ được hình thành tại đây.

Với lợi thế là trung tâm đào tạo đại học và các ngành khoa học, kỹ thuật bậc cao, quận Thủ Đức với diện tích gần 48 km2, giáp với các đô thị mới của Bình Dương, nên khi sáp nhập cùng với 2 quận vừa kể, tiềm lực về phát triển các ngành tài chính, thương mại; chế tạo, sản xuất thiết bị điện tử; công nghệ thông tin, phần mềm… với hàm lượng giá trị gia tăng cao sẽ được thành phố tập trung huy động. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ để thành phố “đầu tàu” khỏe hơn, chạy nhanh hơn, bền vững hơn.

Đức Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/t6-thanh-pho-ho-chi-minh-45-nam-nang-dong-phat-trien-592868/