Thành phố Hồ Chí Minh: 'Ấm' thị trường mặt bằng cho thuê

Hiện thành phố Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ dần sôi động trở lại. Kéo theo đó, thị trường mặt bằng cho thuê cũng 'ấm' hơn sau nhiều tháng trầm lắng, giá thuê cũng ổn định để kích thích phát triển kinh tế.

Mặt bằng cho thuê đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1.

Mặt bằng nhà phố khởi sắc

Mặt bằng góc đường Nguyễn Du - Trương Định (quận 1) có diện tích 230m² đang được giới thiệu cho thuê với giá 49 triệu đồng/tháng. Chị Kim Huệ, đại diện chủ mặt bằng cho biết, mức giá này rất cạnh tranh so với giá chung ở khu vực, thích hợp kinh doanh nhà hàng, cà phê.

Ấp ủ kế hoạch kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh từ trước khi dịch bùng phát, chị Ngô Mỹ Hằng (quận 7) cho biết, vị trí mặt bằng và giá thuê có vai trò quyết định đối với kế hoạch khởi nghiệp của chị. “Sau khi dịch được kiểm soát, thành phố Hồ Chí Minh quay trở lại nhịp sống bình thường là cơ hội giúp tôi tìm được các mặt bằng tốt để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình”, chị Hằng chia sẻ.

Đối với mặt bằng nhà phố cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh (quận 1) cho rằng, tại thời điểm này, người thuê mặt bằng nhà phố kinh doanh có hai lợi thế: Thứ nhất là dễ tiếp cận được mặt bằng ở vị trí thuận lợi; thứ hai là chủ động thương lượng được giá tốt với bên cho thuê.

“Khi kinh tế lấy lại đà phục hồi và người dân có việc làm ổn định, sẵn sàng cho việc chi tiêu tiêu dùng, thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê sẽ sôi động theo. Có thể đến cuối quý I, đầu quý II-2022, thị trường này tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ kín chỗ”, ông Phan Công Chánh cho hay.

Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa (quận 7) cho rằng, thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê phù hợp với nhiều loại hình và lĩnh vực kinh doanh nên tỷ lệ giao dịch cho thuê thành công luôn cao.

“Thị trường này có thể giảm hay tăng trưởng tùy vào từng thời điểm, nhưng giá trị mang lại có tính bền vững cao hơn các sản phẩm bất động sản khác”, ông Trần Khánh Quang cho hay.

Mặt bằng tại Trung tâm thương mại Gigamall, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm thương mại “còn chờ”

Đối với mặt bằng cho thuê tại các trung tâm thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, dù được phép mở cửa trở lại nhưng tỷ lệ lấp đầy chưa cao. Theo Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam), công ty chuyên quản lý và tư vấn đầu tư bất động sản, một số trung tâm thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoãn kế hoạch khai trương tới đầu năm 2022 mặc dù đã có sẵn mặt bằng cho thuê. Trong khi đó, khách thuê tiếp tục chờ đợi để tìm kiếm cơ hội thuê với giá tốt nhất.

Ghi nhận cho thấy, giá thuê trung bình thực tế của các trung tâm thương mại lớn đạt 30,7 USD/m²/tháng, giảm 18,2% theo quý và giảm 24,8% theo năm.

Theo JLL Việt Nam, trong trung và dài hạn, với lộ trình tiêm chủng và trở lại trạng thái bình thường, thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng vẫn là điểm đến thu hút của các nhãn hàng lớn quốc tế nhờ các lợi thế về dân số và mức độ đô thị hóa sẵn có. Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, một số chủ mặt bằng dự kiến sẽ triển khai cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê, nhằm tạo ra bộ mặt mới cho các trung tâm thương mại khi thành phố trở lại cuộc sống bình thường.

Giá chào thuê mới được dự báo sẽ duy trì ổn định, trong khi giá thuê hiện hữu có thể tăng do các chủ mặt bằng sẽ ngừng một số chính sách miễn, giảm, hỗ trợ.

Hiện các trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại. Dự kiến, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ cũng sẽ được hoạt động từ cuối tháng 10-2021 tùy vào từng cấp độ dịch tại các địa bàn.

Thành phố đang từng bước phục hồi kinh tế; trong đó, các hoạt động kinh doanh ngành thương mại, dịch vụ như bán lẻ, nhà hàng, đồ uống sẽ đứng đầu nhóm ngành tăng trưởng cao. Hiện chính quyền các cấp của thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế phù hợp tình hình kiểm soát dịch tại từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, thành phố sẽ triển khai 11 nhóm giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới theo nguyên tắc “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, từng bước khơi thông lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp cuối năm. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường mặt bằng cho thuê sôi động trở lại.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/1015388/thanh-pho-ho-chi-minh-am-thi-truong-mat-bang-cho-thue