Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2021

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, khiến nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Thành phố đang từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo môi trường đầu tư thuận lợi để phục hồi kinh tế, qua đó củng cố và bảo đảm nguồn thu ngân sách năm 2021.

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu thu ngân sách năm 2021 đạt trên 90% dự toán. Trong ảnh: Người dân giao dịch tại Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Liên

Các nguồn thu đều gặp khó khăn

Những năm gần đây, thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh luôn chiếm 25-27% tổng thu ngân sách cả nước. Cụ thể, năm 2019, thành phố thu ngân sách gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ thu được 371.000 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách của thành phố ước thực hiện 272.000 tỷ đồng, đạt 74% dự toán.

Nguồn thu ngân sách trong 9 tháng qua có sự đóng góp quan trọng từ khu vực ngoài nhà nước, ước thực hiện 49.175 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng thu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện 45.046 tỷ đồng, chiếm 16,1%; hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện 87.300 tỷ đồng, chiếm 31,3%... Ngoài ra, nguồn thu ngân sách còn có sự đóng góp rất lớn từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thông tin, năm 2021, Trung ương giao chỉ tiêu thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt khoảng 365.000 tỷ đồng, tức bình quân một ngày thành phố phải thu 1.500 tỷ đồng. Tuy vậy, trong các tháng vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp khiến ngân sách nhà nước thu không đạt kỳ vọng. Theo Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi ngày thành phố thu khoảng 1.800 tỷ đồng; nhưng đến tháng 7 và tháng 8, mức thu bình quân mỗi ngày chỉ đạt 700 tỷ đồng; tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ đồng/ngày. Từ đầu năm đến nay, thành phố gần như không có nguồn thu từ hoạt động du lịch, lữ hành; nguồn thu từ thương mại, dịch vụ cũng giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển dự án toàn cầu Sasan (quận 3) Hoàng Đình Sử cho biết, để nộp thuế cho Nhà nước, doanh nghiệp cần “khỏe mạnh” để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có doanh thu. “Điều chúng tôi mong muốn lúc này là dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch để doanh nghiệp phục hồi, góp phần đóng góp vào ngân sách thành phố”, ông Hoàng Đình Sử cho hay.

Phấn đấu đạt trên 90% dự toán

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng bắt nhịp với trạng thái "bình thường mới". Các nguồn thu ngân sách chính của thành phố đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, bất động sản nên các lĩnh vực này cần được mở lại an toàn để sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. “Các cơ quan chức năng cần làm “bà đỡ” bằng cách đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lực lượng lao động; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi... thì guồng máy kinh tế tự động vận hành hiệu quả. Qua đó, ngân sách thành phố sẽ có nguồn thu ổn định”, Tiến sĩ Trần Quang Thắng nói.

Đề cập về nguồn thu tiền sử dụng đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài 63 dự án nhà ở chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, trên địa bàn thành phố còn 173 dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý. “Trung bình vốn đầu tư mỗi dự án 1.000 tỷ đồng, Nhà nước thu thuế giá trị gia tăng 10%, ngân sách thành phố sẽ có 17.300 tỷ đồng”, ông Lê Hoàng Châu nói.

UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định, dù vừa trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng thành phố vẫn phấn đấu thu ngân sách đạt trên 90% dự toán. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đề ra các nhóm giải pháp lớn, như: Tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới"; từng bước phục hồi kinh tế, ưu tiên lĩnh vực sản xuất và thương mại - dịch vụ chủ lực; giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Đối với nguồn thu từ đất đai, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; đồng thời xây dựng kế hoạch bán đấu giá nhà, đất do Nhà nước quản lý để tăng nguồn thu ngân sách.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nguồn thu ngân sách ở mức cao nhất. Trong thời gian tới, thành phố rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành để giúp thành phố đạt mục tiêu thu ngân sách đề ra.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1014485/thanh-pho-ho-chi-minh-bao-dam-nguon-thu-ngan-sach-nam-2021