Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ an toàn cho trẻ khi đến trường học

Hiện ngành Y tế và Giáo dục thành phố đặc biệt quan tâm bảo vệ an toàn cho trẻ chưa tiêm vaccine nên khi phát hiện F0 ở Mầm non, Tiểu học thì F0 và các F1 đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Học sinh trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, được giáo viên hướng dẫn rửa tay trước khi vào lớp. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Học sinh trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, được giáo viên hướng dẫn rửa tay trước khi vào lớp. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa phương có tỷ lệ học sinh các cấp đi học trực tiếp cao nhất cả nước; ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho học sinh khi đi học, đặc biệt là trẻ Mầm non và Tiểu học.

Đây là nội dung chính được nhấn mạnh tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/2.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tỷ lệ học sinh các cấp đến trường học trực tiếp trên địa bàn Thành phố tăng dần theo ngày, cấp Mầm non đạt 66,33%; Tiểu học đạt 95,99%; cấp Trung học Cơ sở đạt 96,98% và cấp Trung học Phổ thông 98,93%.

Những ngày qua, Sở Giáo dục và Sở Y tế thành phố phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế tại cơ sở, theo đó các trường đã tổ chức nhiều hoạt động tạo tâm lý hứng khởi cho học sinh đến trường. Công tác chăm sóc trẻ, dạy học, phòng, chống dịch được đảm bảo. Các tình huống phát hiện F0 trong trường học được xử lý kịp thời, đúng quy trình theo hướng dẫn.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, tình hình dịch toàn thành phố đang ở cấp độ 1, do đó hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện theo cấp độ 1. Sau khi thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo quy mô phường, xã theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế thì một số phường, xã đã nâng lên cấp độ 2. Do đó, thành phố sẽ có phương án điều chỉnh việc tổ chức dạy học đối với các địa phương tăng cấp độ dịch để phù hợp với tình hình thực tế.

Tính từ ngày 14/2, thời điểm học sinh Mầm non, Tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp trở lại (lớp 7-12 đã đi học lại trước đó) đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 trong trường học ở các cấp, cụ thể như sau ngày 14/2 có 27 ca, ngày 15/2 phát hiện 50 ca, ngày 16/2 có 86 ca, riêng ngày 17/2 chưa thống kê nhưng có khả năng tăng hơn so với những ngày trước.

Liên quan đến việc phát hiện các F0 trong trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có xu hướng tăng nhẹ, xuất phát từ việc người dân tăng di chuyển trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cùng thời điểm học sinh đồng loạt đi học trở lại thì sẽ có những F0 được phát hiện trong trường học.

Hiện nay ngành Y tế và Giáo dục thành phố đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ chưa tiêm vaccine. Do đó, khi phát hiện F0 tại cấp Mầm non, Tiểu học thì F0 và các F1 đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng thông tin thêm Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó, kết quả giải trình tự gen các các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua không phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron. Tới nay thành phố phát hiện 166 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó 155 ca nhập cảnh và 11 ca phát hiện trong cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang điều trị 844 bệnh nhân, trong đó: có 45 trẻ em dưới 16 tuổi, 62 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 16/02: 115 bệnh nhân nhập viện, 72 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 317.993)./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-bao-ve-an-toan-cho-tre-khi-den-truong-hoc/773604.vnp