Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn 203 công trình lịch sử theo Chỉ thị 20-CT/TW
Ngày 22/2, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng 'Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng'.
Theo đánh giá của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng luôn được Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 2018 đến năm 2022, Thành ủy đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn các ấn phẩm lịch sử với tổng số 203 công trình, trong đó cấp thành phố 59 công trình; cấp quận, huyện là 32 ấn phẩm; cấp phường, xã, thị trấn là 75 ấn phẩm và 37 ấn phẩm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc.
Tiêu biểu như sách “Tiểu sử các đồng chí lãnh đạo thờ tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (1930-1975)”; sách “Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - 90 năm dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”, xuất bản năm 2021; sách “Lịch sử Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh 1945-2015” (3 tập), xuất bản năm 2022; sách “Đồng chí Võ Văn Kiệt - Dấu ấn sâu đậm trong lòng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 2022… và còn nhiều công trình khác dự kiến được ra mắt trong năm 2023, 2024.
Các công trình trên có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn, có giá trị tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tổng kết những kinh nghiệm mang giá trị thực tiễn, đáp ứng được mục đích, yêu cầu Chỉ thị 20-CT/TW đặt ra.
Mặc dù vậy, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW vẫn còn những hạn chế cần quan tâm khắc phục như: việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Đảng còn những bất cập, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nhiều mảng công tác. Cụ thể, chỉ có 6/22 đơn vị bố trí được đúng cán bộ chuyên môn. Ngoài ra, tại một số cơ quan, đơn vị do nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít, lưu trữ còn hạn chế nên chậm triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương, đơn vị; việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với các đối tượng tuyên truyền, nhất là đối tượng trẻ chưa được quan tâm đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW, các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử các địa phương; chủ động triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng kết, nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, cập nhật kết quả nghiên cứu mới. Ngoài ra, cần củng cố, bố trí thêm cán bộ có năng lực làm công tác lịch sử Đảng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lịch sử Đảng; đồng thời, Ban Tuyên giáo Thành ủy cần phối hợp các cơ quan chuyên môn về lịch sử trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Tại hội nghị, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy khen cho 26 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW.