Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động. Chính vì vậy, song song với công tác phòng, chống dịch, thành phố đã đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, tạo tiền đề để kinh tế thành phố phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp lao đao

Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam (có trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận, thành phố Hồ Chí Minh) Đào Quốc Cường cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, dây chuyền sản xuất máy may công nghiệp của công ty đang hoạt động cầm chừng. Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (có trụ sở tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Văn Chung cho hay, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các thiết bị thu thập dữ liệu của công ty đang bị ảnh hưởng lớn vì dịch bệnh.

Trong lĩnh vực du lịch, báo cáo của 50 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu mùa dịch đến nay, doanh thu của 22 khách sạn 3-5 sao giảm trung bình 62,5%, một số khách sạn doanh thu giảm trên 65%. Các doanh nghiệp lữ hành lớn thiệt hại về doanh thu gần 1.000 tỷ đồng. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) Tạ Thị Cẩm Vinh, lúc chưa có dịch, bình quân mỗi tháng công ty tổ chức 200-300 lượt tour, công suất phòng đạt gần 100%, nhưng hiện nay công ty gần như ngừng hoạt động.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thu thuế từ doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản và xây dựng giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020. Đơn cử, Công ty cổ phần Hà Đô - 756 Sài Gòn nộp giảm 78,72%; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons nộp giảm 75,92%; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons nộp giảm 73,23%…

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, dịch bệnh đã làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận; làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Tháo gỡ khó khăn

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh khó khăn, vẫn còn những cơ hội dành riêng cho các doanh nghiệp, tổ chức nhận diện và nắm bắt được những phương thức làm ăn mới, hoặc cải tiến các mô hình truyền thống dựa trên nguồn nhân lực, vật lực sẵn có. Những phương thức kinh doanh, phương pháp làm việc hiện hữu buộc phải thay đổi để thích ứng.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm, thành phố có hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: Du lịch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo đó, thành phố kiến nghị miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế nhập khẩu và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV-2020. Về chính sách tài chính, tín dụng, cho phép các doanh nghiệp của thành phố tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Thành phố cũng kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 và năm 2021; đồng thời hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021...

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành tích cực vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng cho biết, cơ quan này đẩy mạnh ứng dụng hệ thống hỗ trợ thông minh, giải quyết công việc trực tuyến để hạn chế thủ tục giấy tờ, giúp doanh nghiệp giảm tối đa thời gian đến trụ sở hải quan xử lý thủ tục.

Bên cạnh đó, nhằm ứng phó với tình huống thông quan khó khăn do dịch bệnh, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản cho việc thông quan tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Cụ thể, trong tình huống xấu nhất, để không làm gián đoạn hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, Cục Hải quan thành phố đã chuẩn bị sẵn phương án “thành lập đơn vị thông quan dã chiến” khi cần thiết.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra các giải pháp cụ thể như tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; làm việc với các ngành liên quan (Cục Thuế, Cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Điện lực...) để tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của doanh nghiệp. Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, Sở đã tham mưu với UBND thành phố chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay trong tuần này thành phố sẽ thành lập tổ công tác do một đồng chí trong Thường trực UBND thành phố làm tổ trưởng. Tổ công tác này sẽ điều phối các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, làm cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng.

Tổ công tác cũng sẽ tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể từ Trung ương, thành phố cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn. “Trước mắt, thành phố sẽ cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi vay cho hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để doanh nghiệp khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/962736/thanh-pho-ho-chi-minh-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan