Thành phố Hồ Chí Minh: Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đối mặt nhiều khó khăn
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm làm ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công năm 2024.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, trong năm 2024, đơn vị được giao hơn 16.087 tỷ đồng cho 59 dự án (10 dự án chuyển tiếp, 9 dự án khởi công mới, 7 dự án chuẩn bị đầu tư, 33 dự án quyết toán). Tính đến ngày 28/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị mới giải ngân được 1.148 tỷ đồng, đạt 7,14%.
Thông tin về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, vốn đã giao 3.400 tỷ đồng. Hiện, dự án đã đạt 37,9% tổng khối lượng thi công, dự kiến đến hết năm 2024 sẽ giải ngân được 1.028/3.400 tỷ đồng (đạt 30,23%). Dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khó khăn hiện nay của dự án là việc tái lấn chiếm phạm vi đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn các quận/huyện: Bình Thạnh, Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân và Bình Chánh.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đề xuất UBND quận, huyện nêu trên phối hợp tuyên truyền, vận động hoặc có kế hoạch thu hồi, bàn giao mặt bằng dự án. Đồng thời, các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật phối hợp di dời, tái bố trí điện, cáp ngầm và lưới điện…
Bên cạnh đó, vướng mắc pháp lý của dự án là bãi tiếp nhận đất, bùn. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bãi đổ tiếp nhận đất, bùn phát sinh từ dự án được xác định tại dự án Tiểu khu 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Công viên văn hóa Gò Vấp tại phường 6, quận Gò Vấp và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, người dân, cơ quan chủ quản, Sở chuyên ngành chưa đồng thuận nên hiện nay đất, bùn được tập kết tạm ngay tại công trường, làm vướng mặt bằng thi công của những hạng mục tiếp theo cũng như không thể tiến hành nghiệm thu giải ngân vốn cho các công việc đào, vận chuyển đất...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, số lượng đất, bùn dư nêu trên đã được xác định không phải là chất thải nguy hại nên cần tận dụng để san lấp cho các công trình công cộng do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên.
“Tuy nhiên, nếu các địa phương vẫn không có nhu cầu tận dụng như thời gian vừa qua thì dự kiến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sẽ đề xuất chuyển đến các vị trí có nhu cầu khác trên địa bàn Quận 12... do các hộ dân quản lý có nhu cầu tiếp nhận sau khi đã phối hợp với Sở chuyên ngành, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục liên quan khác”, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho hay.
Cùng đó, một vướng mắc khác của dự án này là việc điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục cho dự án. Nguyên nhân do Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở có nhiều nội dung chưa tối ưu, chưa phù hợp với thực tế… nên cần điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục (địa chất phức tạp, kết nối giao thông chưa đảm bảo, biện pháp thi công chưa phù hợp, nhà thầu thi công khác với biện pháp và hồ sơ thiết kế đã duyệt sau khi có ý kiến trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư…). Đáng chú ý, chi phí dự phòng của dự án thấp, chưa đủ để thực hiện triển khai các bước tiếp theo. Hiện nay, một số một số hạng mục điều chỉnh, bổ sung đã được nhà thầu thi công hoàn thành nhưng không có cơ sở nghiệm thu, thanh toán.
Ngoài ra, dự án vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu như cát san lấp, đá… Đồng thời, nội dung về đơn giá vật liệu trên thị trường hiện tại khi cấp về công trường đang cao hơn giá dự thầu của các nhà thầu. Điều này đang được hiểu là nhà thầu thi công xây dựng bị thua lỗ trong quá trình thi công do giá vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn tới vấn đề mất cân đối về tài chính trong quá trình triển khai thi công…