Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả rõ rệt từ việc siết chặt cấp giấy đi đường

Thành phố Hồ Chí Minh trải qua 7 ngày áp dụng quy định cấp và kiểm soát giấy đi đường mới để hạn chế tối đa lượng người lưu thông, trong khi vẫn bảo đảm lưu thông hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Kết quả rất khả quan, các dịch vụ thiết yếu vẫn hoạt động trơn tru, trong khi lượng người và xe đã giảm đến 90% so với trước đó.

Áp dụng quy định mới về giấy đi đường, thành phố Hồ Chí Minh đã giảm được 90% lượng xe và người lưu thông trên đường.

Quy trình chặt chẽ

Từ ngày 25-8 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai quy trình cấp giấy đi đường mới, nhằm hạn chế tối đa lượng người và xe lưu thông trên đường, nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch và các dịch vụ thiết yếu, phục vụ đời sống người dân trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội, phòng dịch Covid-19.

Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định 17 đối tượng được ra đường phải có giấy đi đường; 7 đối tượng không cần giấy đi đường. Theo đó, trừ các lực lượng công an, quân đội, y tế, cơ sở bán lẻ hàng hóa…, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh duy trì tối đa 30% số người làm việc tại công sở, 10% được lưu thông trên đường.

Số còn lại thực hiện ăn, nghỉ, làm việc tại chỗ (3 tại chỗ). Doanh nghiệp sản xuất hoặc thực hiện phương án 3 tại chỗ, hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (đưa đón cán bộ, công nhân từ nơi ăn nghỉ tập trung đến nơi sản xuất, làm việc).

Mẫu giấy đi đường do Công an thành phố Hồ Chí Minh cấp.

Các sở, ngành chủ quản từng lĩnh vực có trách nhiệm tập hợp nhu cầu giấy đi đường của cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý. Đơn cử, Sở Thông tin và Truyền thông tập hợp số giấy đi đường cần cấp cho cơ quan báo chí và các cơ quan, doanh nghiệp mình quản lý. Sở Công Thương tập hợp số lượng giấy đi đường cần có từ các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh. Sở Giao thông Vận tải tập hợp số lượng giấy đi đường cho nhân viên doanh nghiệp vận tải… Riêng Sở Ngoại vụ được chủ động cấp giấy đi đường và phù hiệu xe cho cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, thông báo tới Công an thành phố để phối hợp quản lý.

Những số liệu này được đưa về đầu mối duy nhất là Công an thành phố để cấp giấy đi đường theo 1 mẫu thống nhất, do cơ quan công an in ấn, phát hành. Căn cứ vào quy định chung của UBND thành phố về số lượng người được ra đường (tối đa 10%), Công an thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển giấy đi đường về các đầu mối, cấp cho người đứng đầu cơ quan doanh nghiệp để người này chịu trách nhiệm quản lý, cấp phát giấy cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Công an thành phố cấp giấy cho sở, ngành và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Công an quận, huyện cấp giấy cho cơ quan, doanh nghiệp ở địa phương mình. Giấy này cũng có hiệu lực đi liên quận, huyện. Công an xã, phường, thị trấn cấp giấy cho cá nhân đi trong phạm vi quận, huyện mình.

Tuy nhiên, số lượng và đối tượng cấp được rà soát rất kỹ. Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: “Có đơn vị xin cấp 30 giấy, nhưng số người thật sự cần thiết ra đường chỉ là 3 người…”.

Các chốt kiểm soát kiểm tra nghiêm việc sử dụng giấy đi đường.

Hiệu quả rõ rệt

Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện quy định mới về cấp giấy đi đường, tại 100 điểm trên 48 tuyến đường chính của thành phố, lượng xe lưu thông giảm đến 89% so với trung bình ngày thường. Con số này của ngày tiếp theo là hơn 90% và duy trì đến tận hôm nay.

Với xe vận tải hàng hóa thiết yếu có mã QR luồng xanh do ngành Giao thông cấp, các chốt ưu tiên lưu thông nhanh, không kiểm tra giấy đi đường của lái xe. Với xe chở cán bộ, công nhân doanh nghiệp sản xuất thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”, chỉ cần 1 giấy đi đường cho cả xe.

Với các tình nguyện viên, thiện nguyện viên, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh quản lý thông qua áo khoác đồng phục, thẻ có ảnh kết hợp với giấy đi đường.

Riêng với đội ngũ giao hàng qua ứng dụng công nghệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sở đã lập danh sách hơn 20.000 người đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19, gửi Công an thành phố để cho phép được hoạt động trong khung giờ từ 6h đến 18h hằng ngày.

Ngành Y tế phối hợp xét nghiệm Covid-19 miễn phí định kỳ cho các đối tượng này. Cụ thể, tại các vùng nguy cơ dịch cao và rất cao (đỏ và da cam), các shipper xét nghiệm hằng ngày. Với vùng nguy cơ và vùng an toàn (vàng và xanh), shipper được xét nghiệm 2 ngày/lần. Địa điểm xét nghiệm là 411 trạm y tế lưu động và 312 trạm y tế cơ sở tại các phường, xã, thị trấn của thành phố Hồ Chí Minh.

Có ý kiến cho rằng, giấy đi đường nhỏ hơn, nhưng dấu nhận diện to hơn, sẽ dễ cho bảo quản và kiểm tra hằng ngày.

Các trường hợp bệnh nhân tái khám, người đi tiêm, phụ nữ có thai đến viện, phương tiện cá nhân vận chuyển thuốc, thiết bị y tế, bình ô xy…, được các lực lượng ưu tiên 24/24 giờ. Tuy nhiên, vẫn có những góp ý đáng lưu tâm.

Anh Hoàng Đức Khải, ngụ tại đường D4, phường Tân Hưng quận 7, chia sẻ: “Mẫu giấy đi đường mới là tờ A4 hơi to, gây khó khăn khi lấy ra lấy vào trình qua chốt. Giấy mỏng nên mở ra, gấp vào nhiều dễ rách. Trên giấy ghi quá nhiều thông tin, sẽ gây khó cho lực lượng chức năng khi đọc. Theo tôi, giấy nên là bìa cứng, cỡ nhỏ hơn, trên đó in ký hiệu diện người được cấp, như D cho doanh nghiệp, B cho báo chí, T cho tình nguyện viên… và dán tem chống giả của công an là đủ, lại thuận lợi khi kiểm soát, dễ sử dụng và bảo quản”.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải thông tin: “7 ngày qua, thành phố Hồ Chí Minh đã hạn chế tối đa lượng người và phương tiện ra đường, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động các dịch vụ thiết yếu, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm thực hiện tăng cường giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm việc này, góp phần tiến tới khống chế dịch Covid-19 vào ngày 15-9”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1010820/thanh-pho-ho-chi-minh-hieu-qua-ro-ret-tu-viec-siet-chat-cap-giay-di-duong