Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các tỉnh miền Tây Nam Bộ tiêu thụ nông sản

Trước thực tế nông sản nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bị ứ đọng, giá giảm sâu, UBND và các ban, ngành chức năng, doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ phối hợp tiêu thụ phần lớn số nông sản này ngay tại thị trường thành phố.

 Nông dân Đồng Tháp còn tồn đọng nhiều mít, chưa tiêu thụ được.

Nông dân Đồng Tháp còn tồn đọng nhiều mít, chưa tiêu thụ được.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân huyện Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp đang thấp thỏm lo âu vì giá cả nhiều loại trái cây giảm sâu, như mít từ 40.000-50.000 đồng/kg, nay còn 4.000-5.000 đồng/kg. Còn tại huyện Thanh Bình, giá các loại thủy sản thế mạnh của địa phương như cá chép giòn, cá trắm… cũng giảm giá khoảng 20% so với năm trước, tiêu thụ chậm. Ông Mai Văn Đói, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, nguyên nhân chính là do sản phẩm tươi chưa qua chế biến; chưa có đối tác, đầu mối tiêu thụ hàng hóa lớn.

Còn tại Long An, thanh long đến vụ thu hoạch từ đây đến Tết Nguyên đán còn khoảng 24.000 tấn cần phải tiêu thụ. Trước đây, 80% số này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, do việc thông quan thời điểm này rất khó khăn, địa phương chỉ còn hy vọng vào việc tiêu thụ số hàng trên ở trong nước, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó tại huyện Long Hồ, địa phương có tới 1.000ha chôm chôm trái vụ của tỉnh Vĩnh Long, bà con đang thu hoạch trái cây cho vụ Tết. Tuy nhiên, giá thu mua chôm chôm đã giảm 1/3, xuống còn khoảng 6.000-8.000 đồng/kg. Ông Võ Văn Đài, ngụ tại ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, nói: “Chúng tôi đang rất mong các ngành, các cấp giúp tiêu thụ nông sản”.

Chôm chôm Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch, nhưng xuất bán khó khăn.

Chôm chôm Vĩnh Long đang vào mùa thu hoạch, nhưng xuất bán khó khăn.

Trước thực trạng này, từ ngày 14-1 đến nay, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tổ chức đoàn 60 doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối nông sản lớn của thành phố đi khảo sát tình hình thực tế tại 5 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An và An Giang.

Làm việc với chính quyền và khoảng 500 doanh nghiệp tại các địa phương, đoàn khảo sát nhận thấy việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến tại nhiều nơi còn manh mún, chưa có sự liên kết để cùng phát triển. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp địa phương chỉ tập trung vào xuất khẩu, chưa chú trọng thị trường nội địa, nên khi xảy ra sự cố như mới đây tại cửa khẩu phía Bắc, tiêu thụ sản phẩm bị lúng túng, ách tắc.

Tăng cường kết nối

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đoàn khảo sát đã kiến nghị các doanh nghiệp và sở, ngành địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ, tạo chuỗi liên kết để sản phẩm đầu ra không bị phụ thuộc vào thương lái tháo túng, phải xây dựng được hệ thống phân phối chính quy, đưa sản phẩm đủ tiêu chuẩn đến trực tiếp với các chuỗi bán lẻ lớn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều địa phương trong vùng cũng đã nhận thức được vấn đề và chủ động thay đổi để thích ứng. Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Thanh, Sở đã kết nối với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp đưa thanh long về 3 chợ đầu mối lớn; đưa vào các siêu thị, sàn thương mại điện tử để tăng lượng tiêu thụ.

Còn theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là cá tra, xoài, hoa cảnh, vịt, lúa gạo. Thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kết nối cung cầu để tiêu thụ nông sản. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh đang quy hoạch và chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, VietGAP, Global GAP để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trái cây miền Tây trong siêu thị thành phố Hồ Chí Minh.

Trái cây miền Tây trong siêu thị thành phố Hồ Chí Minh.

Để việc liên kết tiêu thụ nông sản này ngày càng hiệu quả, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương thành phố tiếp tục thực hiện công tác kết nối tiêu thụ nông sản; cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sàn thương mại điện tử tham mưu ứng dụng thương mại điện tử vào công tác đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc, thông tin xuất xứ hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản của vùng.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 15-1 với UBND 5 tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An và An Giang, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thắng khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối; tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại trong thời gian tới”.

Minh Điền - Tuệ An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1022609/thanh-pho-ho-chi-minh-ho-tro-cac-tinh-mien-tay-nam-bo-tieu-thu-nong-san