Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Ngày 1-3, ngay sau khi Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép các địa phương thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp để sớm thực thi công việc quan trọng này. Cùng với đó, thành phố duy trì việc dạy và học trực tiếp tại các cấp học, dù số ca nhiễm có dấu hiệu tăng cao.
Sẵn sàng tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi
Ngay trong ngày 1-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) tổ chức hội nghị tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, với sự tham gia của đông đảo nhân viên y tế đến từ các đội tiêm, trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Phó Giám đốc phụ trách HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, 1.350 nhân sự thuộc các đội tiêm được chia thành 7 lớp khác nhau, được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh trao đổi các vấn đề cần lưu ý khi tiêm cho trẻ em. Đáng chú ý là việc hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vắc xin; cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng; quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra…
Trước đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công tác chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi tới mọi cơ sở giáo dục trên địa bàn. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, các cơ sở giáo dục lập thông tin tài khoản điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19: Đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, trường nhiều cấp có cấp tiểu học hoặc lớp 6, dự kiến mỗi trường sẽ thành lập một điểm tiêm. Đối với lớp mầm non độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, nhóm nhà trẻ độc lập, phòng giáo dục và đào tạo các địa phương phối hợp trung tâm y tế thành lập các điểm tiêm cho đối tượng này. Các em được tiêm đợt này có ngày sinh từ 1-4-2017 trở về trước.
Theo thông tin từ Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, trong những ngày qua, trung bình có khoảng 200 học sinh nhiễm Covid-19 mỗi ngày, nhưng số trẻ nhập viện không nhiều. Khảo sát tại 3 bệnh viện nhi của thành phố, tính đến ngày 28-2, có 197 trẻ dưới 18 tuổi đang điều trị. Trong số này chỉ có 9 ca phải hỗ trợ hô hấp.
“Những số liệu trên cho thấy việc tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19 có tác dụng tích cực trong bảo vệ người dân nói chung, trẻ em nói riêng, tăng khả năng bảo vệ mình trước đại dịch. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 970.000 trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vắc xin trong đợt này”, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Quyết tâm duy trì việc dạy và học trực tiếp
Ngày 1-3, lớp 10A1, Trường THPT Nam Sài Gòn (quận 7) chỉ có 15/38 học sinh đi học trực tiếp. Theo thầy giáo Đoàn Mao, chủ nhiệm lớp, mấy ngày qua, lớp có 4 học sinh là F0 và 19 học sinh là F1 nên các em nghỉ theo dõi sức khỏe tại nhà và học qua internet, nhưng phụ huynh và nhà trường vẫn đồng thuận cho các em còn lại đi học trực tiếp. Chị Trần Thu Dung, ngụ tại đường D4, phường Tân Hưng, quận 7, là một phụ huynh học sinh trong lớp, cho biết: “Những ngày qua, lớp và trường liên tục có F0. Nhưng tôi vẫn muốn cho con đi học trực tiếp, vì yên tâm với các biện pháp mà nhà trường và y tế phường đang áp dụng. Hơn nữa, học trực tiếp tốt hơn so với học qua internet”.
Tuy nhiên, một số trường khác trong thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì việc dạy và học trực tiếp. Ngày 1-3, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) cho biết, hiện trường có 80 học sinh là F0 đang cách ly theo dõi, có 5 lớp phải học trực tuyến. “Nhà trường rất mong các vị phụ huynh chia sẻ. Trong khi phần lớn các em vui vẻ đến trường thì có nhiều bậc phụ huynh khi thấy lớp con mình có 2 F0, đã yêu cầu nhà trường chuyển sang học trực tuyến. Giáo viên vừa đứng lớp trực tiếp, vừa lo dạy online, chất lượng khó có thể tốt được”, bà Hạnh chia sẻ.
Với những phụ huynh có con là F0, F1 muốn con mình được đi học sau thời gian cách ly theo dõi, lại gặp một khó khăn khác, đó là tìm nơi cấp giấy xác nhận âm tính để các em có thể quay lại trường. Anh Trương Vũ Khánh, phụ huynh học sinh Trường THCS Võ Trường Toản nói: “Con tôi là F1. Hết thời gian cách ly theo dõi, gia đình muốn cháu đi học trở lại, nhưng ra y tế phường đến 4-5 lượt mà không lấy được giấy, vì nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi rất mong ngành Giáo dục và Y tế sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này".
Để giải quyết vấn đề trên, Sở Y tế thành phố đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh thay đổi quy định trong văn bản số 548 ngày 22-2-2022 của UBND thành phố từ việc y tế phường, xã cấp giấy chứng nhận âm tính sang phòng khám đa khoa, cơ sở y tế tư nhân… cũng có thể cấp giấy này cho người dân.
Còn ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho phụ huynh học sinh tự test nhanh cho con em mình. Nếu kết quả âm tính và gia đình muốn cháu đi học, sẽ báo cáo kết quả xét nghiệm với nhà trường và chịu trách nhiệm về kết quả này.
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.