Thành phố Hồ Chí Minh liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế biển
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước.
Là thành phố có biển, cùng với nhiều lợi thế từ vị trí địa lý đến vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối khu vực quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có tầm nhìn chiến lược; trong đó cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong thực hiện liên kết vùng để phát triển kinh tế biển, đô thị biển.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức ngày 30/3.
Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết vấn đề phát triển kinh tế biển và đô thị biển luôn được Đảng quan tâm đặc biệt. Là một thành phố ven biển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay, Việt Nam chưa phải là quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Mặt khác, ở các địa phương chưa phát triển và hình thành được đô thị biển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của biển, hải đảo của Việt Nam; trong đó, dù vẫn giữ vai trò đầu tàu cả nước, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình. Tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển cũng chưa được khơi dậy cho chiến lược phát triển toàn diện của thành phố trong nhiều năm qua.
Từ bối cảnh thực tế, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược của các quốc gia.
Các ngành kinh tế biển đang phát triển mạnh như nuôi biển, khai thác dầu khí, năng lượng tái tạo, an toàn và giám sát hàng hải, công nghệ sinh học biển, du lịch biển, dịch vụ biển công nghệ cao.
Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, định hướng thành trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh quốc tế, hướng đến các mô hình kinh tế mới, như kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao dựa trên điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của vùng và thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, xác định định hướng chiến lược để Thành phố Hồ Chí Minh có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với thành phố.
Việc chuyển hóa không gian kinh tế biển vùng Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế mỗi địa phương và kết nối, lan tỏa các mô hình kinh tế mới, sáng tạo, từng bước liên kết khu vực và quốc tế, được kỳ vọng là bước đột phá của thành phố và vùng thành phố trong hành trình vươn ra biển lớn và cùng hội nhập, phát triển.
Vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Thế Anh, với lợi thế trung tâm liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối vùng châu thổ sông Mekong với quốc tế vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, đòi hỏi vai trò của thành phố trong xác lập liên kết vùng toàn diện, hình thành hệ thống cảng phục vụ tuyến vận tải đường thủy ven biển và hệ thống hạ tầng giao thông đa phương tiện ở thành phố.
Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần tạo cơ chế liên kết vùng để xây dựng vị thế quốc tế của mình, giúp thành phố tập trung vào phát triển các ngành kinh tế chất lượng.
Mặt khác, thành phố cần lựa chọn được vấn đề cốt lõi để bứt phá phát triển kinh tế biển. Trong quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển của vùng, Thành phố Hồ Chí Minh cần vượt ra khỏi ranh giới hành chính, tạo cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan trong liên kết vùng.
“Thành phố Hồ Chí Minh cần giữ vững vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Mô hình phát triển trong tương lai gần của Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại Vịnh Cần Giờ.
Trong thực hiện các chính sách về phát triển liên kết vùng cũng đòi hỏi có những đổi mới trong cơ chế phối hợp giữa các địa phương hướng đến nâng cao lợi thế cạnh tranh vùng,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Thế Anh nhận định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định việc xây dựng tầm nhìn phát triển kinh tế biển từ tiềm năng toàn vùng, kết nối chuỗi đô thị biển tầm vóc quốc tế là cách đặt vấn đề có tính đột phá trong bối cảnh mới.
Tầm nhìn kết nối vùng để xây dựng kinh tế biển mạnh và bền vững cần lộ trình phát triển, vượt khỏi sự bó hẹp trong phạm vi ranh giới hành chính của địa phương. Do đó, cần xây dựng cơ chế cho liên kết vùng để tạo sự đồng thuận một cách thiết thực nhất, để đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm thu hút các nguồn lực phát triển, làm động lực lan tỏa và thúc đẩy toàn vùng một các mạnh mẽ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khẳng định vị thế của thành phố trong hệ thống các thành phố biển quốc tế.
“Mô hình phát triển trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn, để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế trong phần đất và biển của thành phố. Trong đó Vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của thành phố và vùng thành phố, chuyển từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển” - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ./.