Thành phố Hồ Chí Minh: Năng lực đổi mới sáng tạo là bệ phóng
có được vai trò 'đầu tàu', TP. Hồ Chí Minh ngoài quyết tâm và bản lĩnh còn cho thấy một năng lực đổi mới, sáng tạo vượt trội.
Bài liên quan
TP. Hồ Chí Minh, những dấu ấn phồn thịnh
Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh: “Kỳ vọng lớn” để bứt phá!
TP.HCM những năm qua luôn giữ vững vị thế là thành phố “đầu tàu” khi đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách và khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, cũng là địa phương thu hút lượng vốn FDI lớn nhất. Để có được vai trò “đầu tàu” trên, ngoài quyết tâm và bản lĩnh, thành phố còn cho thấy một năng lực đổi mới, sáng tạo vượt trội.
1.Vai trò đầu tàu của TP.HCM gần như đã được khẳng định và nêu bật trong suốt gần 35 năm qua, kể từ sau đổi mới,cầu, song TP.HCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,66 lần mức bình quân của cả nước (5,8%).
Trong 5 năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP.HCM tiếp tục được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì tỷ trọng hợp lý với khu vực dịch vụ giữ tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP). GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 2,3 lần bình quân cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Ban Chấp hànhĐảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015- 2020 đã rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao là giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Cụ thể, TP.HCM đã đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước. Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra 8,3%/năm, năng suất lao động cao gấp 2,7 lần cả nước...
Về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 8,5%; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm...
Nói về vai trò “đầu tàu” của TP.HCM, không thể không nhắc tới chủ trương chia các vùng kinh tế để liên kết phát triển của Chính phủ. Nhờ đó, từ năm 1997, TP.HCM giữ vai trò cầu nối với các khu vực ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên, trở thành “hạt nhân” của khu vực và cả nước, hướng tới trở thành một trung tâm tầm cỡ khu vực Đông NamÁvềtàichính-thươngmại-du lịch, là trung tâm chuyển giao và ứng dụng KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, logistics,...
2. Không chỉ dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, TP.HCM còn là nơi đổi mới, đột phá về thể chế và tiên phong trong rất nhiều mô hình phát triển.
Theo đó, thành phố là địa phương dẫn đầu của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường KHCN... Những mô hình phát triển trên không chỉ là bệ phóng cho những bước đột phá mạnh mẽ của TP.HCM trong hội nhập kinh tế quốc tế mà còn tạo động lực cho quá trình đô thị hóa của các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực tiên phong, TP.HCM cũng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều lực cản, đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh... Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, ngập nước nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, cản trở quá trình phát triển nhanh và hướng tới bền vững của thành phố.
Để vượt qua những trở ngại trên, xin được trích dẫn ý kiến được đánh giá cao, sát thực tiễn của Tiến sĩ Trần Du Lịch, rằng để phát triển bền vững TP.HCM cần triển khai song song nhiều việc.
Thứ nhất, TP.HCM gắn công nghệ cao vào chuỗi phân khúc công nghệ cao, thông qua việc phát huy tốt nhất các khu công nghệ cao. Do vậy, TP.HCM không nên tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp mới mà cần là nơi tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp của cả nước và cả quốc tế. Việc tạo ra cái mới từ khởi nghiệp không cần nhiều đất, không cần lấy đất lúa để mở khu công nghiệp.
Thứ hai, quyết tâm không để TP.HCM phát triển hướng tâm. Các địa điểm đã quy hoạch như Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc phải làm cho bằng được. Muốn làm được thì điều đầu tiên là phải kết nối giao thông. Để giải bài toán kinh tế đô thị TP.HCM phải kiên trì giải pháp phát triển vùng đô thị TP.HCM. Vùng đô thị này đã được quy hoạch từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa làm. Nếu chúng ta làm một con đường nối quận 2 sang Cát Lái đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì đương nhiên khu vực này đã trở thành một quận vệ tinh, giảm áp lực nhiều mặt cho TP.HCM. Nói cách khác, để phát triển bền vững, TP.HCM không thể đứng riêng biệt mà cần có sự gắn kết trong vùng đô thị, bao gồm nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó thành phố là hạt nhân kết nối, là động lực của phát triển...
Thứ ba, tổ chức lại mô hình quản lý theo chính quyền đô thị. Hiện chúng ta đã có Hiến pháp 2013, có Nghị quyết 54 nên tiếp tục làm quyết liệt. Trong vấn đề thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử, song song với truyền thống. Để làm được việc này, cần thay đổi tư duy quản lý, cần quản lý theo một hệ quy chiếu mới, thông qua công nghệ.
Theo TS Trần Du Lịch, nếu kiên trì theo đuổi các mục tiêu nêu trên, chắc chắn TP.HCM còn nhiều dư địa để phát triển. Bởi lẽ, trong vai trò là trung tâm giao lưu kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, không nơi nào thay thế được TP.HCM. Chính điều này đã tạo nên sự năng động tự thân cho TP.HCM để thúc đẩy phát triển bền vững.
3. “TP.HCM lo mất vai trò đầu tàu”, đó là nhận định của chính Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vào cuối năm 2019 vừa qua. Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định xuất khẩu là lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của TP.HCM trong 20 năm qua. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn có dấu hiệu khựng lại, chỉ đạt dưới 10% trong gần 10 năm trở lại đây. Điều này khiến tỷ trọng xuất khẩu của thành phố trong tổng xuất khẩu của cả nước cũng giảm dần. Cụ thể, năm 2005, xuất khẩu của thành phố chiếm tỷ trọng 47% tổng xuất khẩu cả nước nhưng đến năm 2010, tỷ lệ này là 31,2%, năm 2015 giảm xuống 18,1% và năm 2018 chỉ còn 15,6%.
Theo Tiến sĩ Đinh Công Khải - Viện trưởng Viện Chính sách công (IPP), một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn như điện tử, màn hình và đèn chiếu, thiết bị xử lý dữ liệu tự động, cà phê, gạo, hạt, dệt may và da giày... dù giữ vị trí xuất khẩu quan trọng, nhưng đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế vì chi phí lao động, mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa thấp.
Còn theo bà ĐặngMinh Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chỉ khi cải thiện được điểm nghẽn hạ tầng trong lĩnh vực logistics, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và tăng trưởng xuất khẩu của TP mới được cải thiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhận định: Đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan,... chưa tương xứng đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu. Vì lẽ đó, nếu không có giải pháp đột phá, vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM đối với nền kinh tế cả nước cũng đối mặt với thách thức rất lớn. Và vì đó, yêu cầu kiên trì theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững mà Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất cần được TP.HCM quan tâm, dốc sức thực hiện.
Nay, trong bối cảnh diễn biến dịch cúm do virus Corona chủng mới gây ra (Covid-19), đầu tàu kinh tế TP.HCM tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trên, Thành ủy và UBND TP.HCM đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương vừa phải tập trung phòng, chống dịch, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tất cả vì sức khỏe, an toàn của nhân dân”, vừa phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách cẩn trọng, bài bản, trách nhiệm. Và ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, UBND thành phố đã trình HĐND các chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp, nghỉ việc không lương; đề nghị cán bộ, công chức của thành phố giảm 50% thu nhập tăng thêm trong năm 2020,... HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết đối với khoản chi 2.753 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19.
Tiếp đó, UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác làm cầu nối giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ bao gồm gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỷ đồng... Trước đó, thành phố đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế; xem xét việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30/6/2020. Các hộ phải tạm ngưng kinh doanh do quyết định của TP.HCM được cơ quan thuế hướng dẫn nộp thông báo và ban hành quyết định miễn, giảm thuế tương ứng với thời gian tạm ngưng kinh doanh...
Cần nhớ rằng TP.HCM một thời từng được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” do trình độ phát triển, hoạt động kinh tế, mức sống của người dân cao hơn nhiều so với nhiều đô thị ở Đông Nam Á, nhưng hiện thời thì ngược lại.
Tất cả đang kỳ vọng rằng khi đại dịch Covid-19 được khống chế, TP.HCM với sự năng động vốn có, năng lực đổi mới mạnh mẽ sẽ như một chiếc lò xo bị nén, bung mình phát triển mạnh mẽ, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tầu kinh tế của cả nước, hướng tới vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, KHCN ở tầm khu vực trong tương lai.