Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp lại các cơ sở y tế: Nâng chất lượng khám, chữa bệnh

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã và đang quyết liệt triển khai việc sắp xếp lại các cơ sở y tế trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Nhờ được đầu tư trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hệ thống cơ sở y tế của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Tập trung về một đầu mối

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở y tế trực thuộc, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3017/QĐ-UBND ngày 20-7-2018 về sắp xếp lại các cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng của thành phố.

Theo đó lộ trình sắp xếp hệ thống cơ sở y tế như sau: Từ quý III-2018 đến quý I-2019 sáp nhập 14 bệnh viện quận, huyện (bệnh viện hạng III) trực thuộc UBND quận, huyện vào 14 trung tâm y tế quận, huyện. Những bệnh viện này thuộc các quận 1, 3, 5, 7, 9, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi. Các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh khu vực (nếu có) và trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn quận, huyện sẽ trực thuộc trung tâm y tế mới tại quận, huyện. Từ quý II-2019 đến quý IV-2020, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ lần lượt tiếp nhận 14 cơ sở y tế trên, cùng với 9 bệnh viện quận, huyện đang là bệnh viện hạng II...

Đánh giá về việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế nhằm mục tiêu tổng quát là bệnh viện quận, huyện phải thu hút được bệnh nhân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố và phát huy tối đa năng lực cơ sở y tế địa bàn phường, xã.

"Thực tế cho thấy, các bệnh viện tuyến thành phố được quan tâm tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất từ nhiều nguồn, đã tạo uy tín đối với người bệnh. Trong khi đó, tại các bệnh viện quận, huyện, nguồn kinh phí hoạt động và đầu tư cho y tế chủ yếu là nguồn chi thường xuyên và nguồn ngân sách phân cấp cho quận, huyện nên có nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, qua gần 2 năm thực hiện Quyết định số 3017/QĐ-UBND, đến ngày 12-6, chỉ còn 4 bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện chưa chuyển về Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. “Việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng tập trung về một đầu mối đã bước đầu nâng cao chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo hướng toàn diện, liên tục”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.

Hiệu quả bước đầu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, qua đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, hiệu quả của mô hình tập trung quản lý cả về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và công tác chuyên môn của các cơ sở y tế đã phát huy tác dụng. Điển hình là việc chỉ trong một tháng, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức được các bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các huyện Củ Chi và Cần Giờ, trên cơ sở các trung tâm y tế địa phương. “Do có đầu mối là Sở Y tế quyết định, tổ chức và chỉ đạo thực hiện nên mọi việc được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bước đầu cảm nhận hiệu quả của mô hình thống nhất quản lý, chỉ đạo chuyên môn từ Sở Y tế đến các cơ sở trong hệ thống. Bà Nguyễn Tường Anh, 79 tuổi, là bệnh nhân đang được theo dõi huyết áp và bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế phường 5 (quận 6), rất vui mừng khi có thể trao đổi trực tiếp qua hệ thống telemedicine (chẩn đoán bệnh từ xa) với các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

“Ngoài 2 bác sĩ của bệnh viện và Trung tâm Y tế quận 6 luân phiên tăng cường cho Trạm Y tế phường 5, tôi còn được các bác sĩ tuyến trên tư vấn trực tuyến về chỉ định xét nghiệm HbA1C và chụp đáy mắt”, bà Nguyễn Tường Anh phấn khởi nói.

Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế cũng gặp một số khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất các nhân viên y tế băn khoăn về ổn định công việc khi sáp nhập, chuyển đổi.

“Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong lĩnh vực quản lý y tế giữa UBND quận, huyện và Sở Y tế, để phát huy tối đa tiềm lực cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/970114/thanh-pho-ho-chi-minh-sap-xep-lai-cac-co-so-y-te-nang-chat-luong-kham-chua-benh