Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm nới lỏng giãn cách theo phương châm 'an toàn tới đâu, mở ra tới đó'

Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào những ngày cuối của đợt cao điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Tuy thành phố chưa đạt mục tiêu khống chế được dịch Covid-19 trước ngày 15-9, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua là rất tích cực, tạo tiền đề để thành phố hoàn thành mục tiêu này đến hết tháng 9-2021.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến tối 13-9.

Những thành quả đáng khích lệ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, những thành quả nổi bật của thành phố trong thời gian qua cần kể đến là điều trị F0 tại nhà; giảm số ca tử vong; tiêm vắc xin diện rộng và chăm lo an sinh cho người dân. 54% số tổ dân phố trên địa bàn đã trở thành vùng xanh.

Về điều trị F0 tại nhà, tính đến ngày 13-9, toàn thành phố có 92.355 ca F0 đang điều trị tại nhà. Trong đó có 59.266 trường hợp cách ly tại nhà ngay khi phát hiện bệnh và 33.129 trường hợp cách ly sau xuất viện. Để quản lý, chăm sóc số F0 này, thành phố đã thành lập 411 trạm y tế lưu động, phối hợp với 312 trạm y tế xã, phường, thị trấn của thành phố. Mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 50 đến 100 F0.

“Lực lượng này được thành lập cùng với sự hỗ trợ nhân lực, vật lực kịp thời, hiệu quả của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp kéo giảm đáng kể số ca Covid-19 tăng nặng phải chuyển tuyến trên và góp phần vào con số 150.341 bệnh nhân Covid-19 được điều trị thành công tại thành phố Hồ Chí Minh”, đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.

Các con số thống kê cho thấy, số ca tử vong theo ngày trong 1 tuần qua đã giảm đáng kể, từ khoảng 340 ca/ngày xuống còn 200 ca/ngày. Việc kéo giảm ca tử vong là do hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, với 3 túi thuốc cơ bản cho F0 điều trị tại nhà (gói A là thuốc hạ sốt, vitamin; gói B là thuốc kháng đông, kháng viêm; gói C là thuốc đặc trị kháng vi rút).

Cùng với đó, hơn 90.000 giường điều trị Covid-19 đã được xác lập tại tầng 2 và 3 của tháp điều trị, với hàng chục nghìn giường hồi sức để kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết: “Số ca tử vong đã có xu hướng giảm, cho thấy hướng đi là đúng đắn. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực để giảm tối đa số ca tử vong do Covid-19”.

Số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm rõ rệt.

Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính đến ngày 13-9, thành phố đã tiêm được hơn 7,7 triệu mũi, trong đó có hơn 6,47 triệu mũi 1 và hơn 1,3 triệu mũi 2. Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh: “Đặc biệt trong số này, có 882.292 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, sẽ có 100% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19”.

Về an sinh xã hội, thành phố đã tổ chức 2 đợt hỗ trợ bằng tiền mặt cho người có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt thường trú, tạm trú, với tổng số tiền lên đến gần 6.500 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 5.100 tỷ đồng, còn lại là do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố cũng đã cấp phát 1,8 triệu túi an sinh đến tận tay người dân. Cùng với đó, nhiều bộ, ban, ngành trung ương, các doanh nghiệp và người dân thành phố đã chung tay hỗ trợ cho những người gặp khó khăn thời gian qua.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói hỗ trợ an sinh lần 3 trị giá 10.000 tỷ đồng.

Những việc sẽ triển khai

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, đến ngày 15-9, do thành phố chưa đạt tiêu chí kiểm soát Covid-19 do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định, nhất là về số ca nhiễm mới và số ca tử vong, nên sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết tháng 9-2021. Riêng các địa phương đã đạt tiêu chí này (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ) sẽ nới lỏng từng phần giãn cách xã hội.

Các quận, huyện khác như: Phú Nhuận, quận 5, quận 11 và Nhà Bè cũng đang có biến chuyển tích cực. Tùy theo tình hình kiểm soát dịch tại các địa phương này, thành phố sẽ có sự nới lỏng phù hợp.

Để trợ giúp người dân, thành phố sẽ triển khai đợt 3 gói an sinh trị giá gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và các nguồn hỗ trợ khác, không phân biệt người thường trú hay tạm trú.

Về tiêm vắc xin, thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, có 100% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch Covid-19; tiếp tục phối hợp các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước và các doanh nghiệp, người dân, chung tay hỗ trợ người gặp khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2021, sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên.

Về nới lỏng một số hoạt động kinh tế - xã hội tại quận 7, các huyện Củ Chi và Cần Giờ, thành phố dự kiến xây dựng các Bộ tiêu chí an toàn cho từng ngành, từng lĩnh vực, trên cơ sở “Người an toàn. Hành trình an toàn. Điểm đến an toàn”.

Dưới góc độ chuyên ngành, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin rõ hơn về vấn đề này. Đơn cử, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức sẽ mở các trạm trung chuyển lương thực, thực phẩm, giao dịch trên mạng. Tài xế chở hàng đến có khu cách ly riêng, không tiếp xúc trực tiếp với người tại chợ, chờ đến khi hàng hóa bốc dỡ xong. Tổ bốc xếp cũng chia thành tổ hàng đến và tổ hàng đi. Các chợ đầu mối có hàng, sẽ tạo nguồn hàng để các địa phương có thể mở lại các chợ truyền thống. Người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính được đi chợ.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nới lỏng giãn cách theo phương châm “an toàn tới đâu, mở ra tới đó”.

Về vấn đề cấp thẻ xanh bằng phần mềm chuyên biệt, duy nhất, tích hợp thông tin từ các phần mềm hiện hành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, thành phố đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng phần mềm y tế thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất dữ liệu dân cư từ Bộ Công an và dữ liệu tiêm chủng, dịch tễ từ Bộ Y tế để cấp mã QR cho từng công dân.

“Khi Chính phủ đồng ý, phần mềm này sẽ được thí điểm sử dụng tại quận 7 rồi nhân rộng ra toàn thành phố”, ông Lâm Đình Thắng nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chúng ta còn phải trải qua những vấn đề chưa có tiền lệ. Tuân thủ những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Trung ương, thành phố sẽ thí điểm nới dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động xã hội trên nguyên tắc "an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó"; áp dụng cơ chế “phanh khẩn cấp” nếu tình hình dịch Covid-19 phức tạp trở lại; từng bước chắc chắn đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1011885/thanh-pho-ho-chi-minh-se-thi-diem-noi-long-gian-cach-theo-phuong-cham-an-toan-toi-dau-mo-ra-toi-do