Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy thanh toán học phí qua thẻ

Trong lộ trình xây dựng trường học thông minh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Được triển khai rộng rãi từ năm 2017, mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích cho phụ huynh và nhà trường.

Các phụ huynh học sinh tìm hiểu tiện ích của mô hình quản lý “Trường học thông minh - an toàn - không dùng tiền mặt” được trưng bày tại Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Khánh Trình

Thu chính xác, hạn chế tiêu cực

Thầy Võ Phương Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) chia sẻ, trường có 90 lớp với 4.066 học sinh. Trước đây, cứ đến dịp đóng học phí đầu kỳ học, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 phụ huynh tới nộp tiền nên việc thu gặp không ít khó khăn. Từ năm học 2019-2020, Trường Tiểu học Ngô Quyền triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua “Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC” nên mọi việc diễn ra nhanh gọn, chính xác, an toàn.

Nói về tiện ích từ ứng dụng trên, chị Lê Thị Lan, ngụ tại khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, có con gái học lớp 4 tại Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: "Việc đóng học phí qua chuyển khoản rất thuận tiện, tránh sai sót. Phụ huynh chúng tôi được chủ động và không bị quên đóng tiền như trước".

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Dương Trí Dũng thông tin, từ năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đối tác triển khai rộng rãi thẻ thanh toán "Học đường thông minh" và "Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC", chuyên quản lý học phí và các khoản thu khác tại nhà trường.

Qua quá trình triển khai, kết quả thực tế tại 121 trường (chiếm 63% tổng số trường học tại thành phố Hồ Chí Minh) đã cho kết quả tích cực. Tính đến tháng 1-2021, doanh số thu tại các trường từ chuyển khoản qua ngân hàng hoặc trung gian thanh toán đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, chiếm 58% so với tổng dự toán thu dự kiến là hơn 3.800 tỷ đồng.

Đánh giá về mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong các nhà trường, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Trần Mai Phương cho biết thêm, "Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC" còn giúp các cơ quan quản lý có công cụ để kiểm tra, giám sát (trực tuyến) hằng ngày việc thực hiện các khoản thu theo quy định của ngành, chi tiết tới từng trường, từng khoản thu học phí, thu thỏa thuận và thu chi hộ nếu có phát sinh, từ đó hạn chế tiêu cực.

Phấn đấu 100% trường thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu phấn đấu 100% trường học trên địa bàn thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ngay trong năm học 2020-2021, trước mắt Sở đã đề nghị các trường triển khai thu hộ học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, đa dạng hình thức như đã áp dụng với thu tiền điện, nước, dịch vụ truyền hình… Các ngân hàng tham gia việc thanh toán trực tuyến sẽ chi trả tiền cho các trường học trong vòng 1 tuần kể từ khi nhận được các khoản nộp của phụ huynh học sinh.

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dần cho hay, từ những kinh nghiệm thực tiễn đạt được, trong năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo quận 8 tiếp tục nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ra các trường học trên địa bàn. Trong đó, chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số để giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh thuận lợi, hiệu quả hơn, bao gồm cả việc thanh toán các khoản học phí cũng như quản lý việc học tập của học sinh.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Phó Giám đốc Sở Lê Hoài Nam cho biết: Tiếp nối thẻ thanh toán "Học đường thông minh" và "Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến - SSC", mô hình “Trường học thông minh - an toàn - không dùng tiền mặt” sẽ được triển khai rộng rãi trong thời gian tới. "Mô hình tích hợp hoàn chỉnh cả việc quản lý học tập cũng như thanh toán trực tuyến ở trường học, gồm 6 nội dung: Điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, vận hành máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căng tin và hỗ trợ thu học phí", ông Lê Hoài Nam nói.

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh còn đưa việc ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại trường học vào tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị, cơ sở giáo dục.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/990095/thanh-pho-ho-chi-minh-thuc-day-thanh-toan-hoc-phi-qua-the