Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án y tế
Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung huy động nguồn lực xã hội để tham gia cùng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành phát triển lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp dịch vụ cho người dân.
Ngày 4/10, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền Thành phố, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đang kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế nhằm mục tiêu sớm trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Ông Võ Hoàng Nhân, Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong giai đoạn từ 2021-2015, Thành phố Hồ Chí Minh có 116 dự án y tế với vốn đầu tư từ nguồn ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng.
Nhờ thế, trong những năm qua, nhiều bệnh viện đã được xây mới, đầu tư các máy móc trang thiết bị hiện đại giúp bộ mặt ngành Y tế Thành phố thay đổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Dự kiến giai đoạn 2026-2030, Thành phố sẽ có 150 dự án y tế với tổng vốn đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 6 dự án được kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm Khu khám điều trị dịch vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Khoa Khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh, hai Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Bệnh viện Thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch hình thành các cụm y tế lớn gồm cụm trung tâm và các cụm ở các cửa ngõ tại thành phố Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ, cụm y tế Tây Nam.
Theo ông Nhân, để các cụm y tế này ra đời đòi hỏi phải huy động các nguồn lực xã hội cùng thực hiện.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận thành lập đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư cùng góp sức thực hiện các dự án, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Ngành Y tế sẽ tập trung huy động nguồn lực xã hội để tham gia cùng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành phát triển lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp dịch vụ cho người dân.
Thành phố huy động các nhà đầu tư nước ngoài thành lập các bệnh viện có thương hiệu lớn trên thế giới đặt tại Thành phố. Trong lĩnh vực ung thư, ngành Y tế đang kêu gọi đầu tư xây dựng lò Cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế và đầu tư trung tâm xạ trị Proton.
Thành phố cũng mời gọi các trường đại học y khoa uy tín trên thế giới thành lập trường hoặc hợp tác, liên kết với các trường trên địa bàn để đào tạo, giảng dạy.
Bên cạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền Thành phố, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra ý kiến giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã tiếp nhận và giải đáp hơn 25 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lưu hành đối với trang thiết bị y tế, thông tin quy định về việc đăng ký và điều chỉnh giá thuốc, hướng dẫn vay vốn lãi suất ưu đãi trong lĩnh vực y tế.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một số thủ tục đã được phân cấp cho Thành phố xử lý, tạo thuận lợi cho các đơn vị, trong đó có lĩnh vực y tế.
Ví dụ, việc cấp phép quảng cáo của bệnh viện tư nhân, đăng ký thủ tục cấp phép một số loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm trước đây phải thông qua Bộ Y tế, nay đã được phân cấp cho Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, giúp quá trình diễn ra nhanh chóng hơn.
Với những ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ có văn bản kiến nghị gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố, Bộ Y tế giải quyết nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.