Thành phố Hồ Chí Minh: Vượt khó chuẩn bị năm học mới

Năm học mới 2021-2022 đã cận kề, nhưng đến thời điểm này cả thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phải tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, tích cực triển khai nhiều giải pháp để năm học mới được bắt đầu đúng kế hoạch.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành Y tế tiêu độc, khử trùng các trường học được trưng dụng làm khu cách ly, điểm tiêm vắc xin sau khi được bàn giao.

Thiếu trường lớp, giáo viên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2021-2022 toàn thành phố có 1.714.130 học sinh, tăng gần 31.000 học sinh so với năm học trước. Về việc tuyển dụng giáo viên cho năm học mới, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tuyển dụng 5.526 giáo viên, nhân viên từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở, nhưng dự kiến phải tháng 11 tới mới hoàn thành.

Đặc biệt, toàn thành phố có 249 trường học được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm tiêm vắc xin; 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.

Năm học 2021-2022 là năm thứ hai thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Một trong các nội dung cần thực hiện là bảo đảm có đủ trường lớp để mọi học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường; học sinh lớp 1, 2 và 6 có sĩ số không quá 35 em/lớp và được học 2 buổi/ngày. Thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 42 dự án với 591 phòng học mới có tổng mức đầu tư 1.630 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết công trình xây dựng, sửa chữa đều không kịp tiến độ. Công tác tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hoàn thành do giãn cách xã hội kéo dài. Cùng với đó, sách giáo khoa mới (lớp 2, lớp 6) cũng chưa về đủ.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 Khưu Mạnh Hùng bày tỏ lo ngại: “Do điều kiện về cơ sở vật chất hạn chế trong khi sĩ số học sinh lại tăng cao nên giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới rất áp lực”.

Việc chưa có sách giáo khoa theo chương trình mới cho học sinh lớp 2 và lớp 6 khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Trần Thị Hồng Hạnh, có con học lớp 6, Trường trung học cơ sở Bàn Cờ (quận 3) cho biết: "Tôi đặt mua nhiều nơi mà chưa có sách giáo khoa lớp 6 do các nhà xuất bản chưa thể vận chuyển đủ về các địa phương khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Rất mong ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này".

Từng bước tháo gỡ

Khắc phục những khó khăn trước thềm năm học mới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, Sở đang triển khai nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ để năm học mới diễn ra đúng kế hoạch (bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông bắt đầu năm học từ ngày 1-9; bậc tiểu học từ ngày 8-9-2021).

Theo đó, về công tác tuyển dụng giáo viên, trước mắt, Sở sẽ gấp rút tuyển dụng 388 giáo viên, 49 nhân viên cho các trường trung học phổ thông, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10-2021. Cùng với đó, Sở chỉ đạo các trường chủ động thực hiện phương án ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc tăng cường lực lượng tại chỗ. Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, hiện các trường đang hoàn thiện nốt hồ sơ đối với các lớp 1 và 6. Riêng tuyển sinh lớp 10 công lập, dự kiến ngày 20-8 tới sẽ công bố điểm tuyển sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Y tế tiêu độc khử trùng trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, điểm tiêm vắc xin sau khi được bàn giao trở lại để đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

Về giải pháp nhằm cung ứng đủ sách giáo khoa trước thềm năm học mới, theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thị Hóa, công ty đã triển khai phương án tăng năng lực vận chuyển để kịp đưa sách giáo khoa phục vụ học sinh trước khi khai giảng; đẩy mạnh bán sách trực tuyến với chính sách giảm giá 35%...

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8) Lê Thành Sơn cho biết, nhà trường đã chủ động tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa mới thông qua các bộ sách điện tử, từ đó lên kế hoạch chuẩn bị các phương án giảng dạy phù hợp với tình hình mới.

Liên quan đến khó khăn thiếu trường, lớp phục vụ học sinh lớp 1, 2, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh) Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục tùy tình hình thực tế để triển khai, bảo đảm duy trì việc học 2 buổi/ngày; mỗi ngày không quá 7 tiết.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng năm học mới 2021-2022 ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1009460/thanh-pho-ho-chi-minh-vuot-kho-chuan-bi-nam-hoc-moi