Thành phố Hồ Chí Minh: Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý
Thời gian qua, do thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố miền Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch Covid-19, nên có lúc xảy ra hiện tượng khan hiếm lương thực, thực phẩm cục bộ. Lợi dụng tình hình này, một số tổ chức, cá nhân đã mua gom, rồi đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu lên cao một cách bất hợp lý, gây bức xúc cho người dân. Hiện các cơ quan chức năng của thành phố đã có giải pháp xử lý hiện tượng này.
Người tiêu dùng nên chọn mua nhu yếu phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích uy tín để bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý. Ảnh: Mỹ Phương
Giá tăng bất hợp lý
Từ đầu đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đến nay, có lúc phát sinh tình trạng một số cá nhân, tổ chức mua lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, bán lại trên mạng xã hội với giá cao. Thậm chí, có chuỗi phân phối tính tiền hàng cao hơn giá niêm yết.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, chị Huỳnh Thanh Phúc, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ đang dừng hoạt động tại quận 11, thành phố Hồ Chí Minh than thở về việc vừa phải mua qua mạng xã hội một trái bí xanh với giá 60.000 đồng. "Tuy biết là giá bị đẩy lên quá cao so với bình thường, nhưng tôi vẫn phải mua vì chưa đi siêu thị được” chị Phúc chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Bích Hương, trú tại quận 5 cho hay, vừa nhận được báo giá trên mạng xã hội với giá 65 nghìn đồng/kg cà rốt trong khi vài ngày trước chỉ 25 nghìn đồng/kg.
Tương tự, nhiều ngày nay dù giá trứng gà, vịt bán tại các siêu thị vẫn duy trì mức 26.000 đồng/ vỉ 10 trứng gà, 31.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt, nhưng thị trường bên ngoài lại có mức giá cao hơn 15.000-25.000 đồng/vỉ. Bà Trần Thị Lệ Thu, ở phường 14, quận 10 cho hay, trứng trong siêu thị về theo đợt và thường hết sớm vì sức mua quá lớn nên nhiều người phải mua bên ngoài với mức giá rất cao, có thời điểm còn gấp đôi so với giá của siêu thị. Trong khi đó, một số cửa hàng thuộc hệ thống bán lẻ Bách hóa Xanh tại thành phố Hồ Chí Minh lại tính tiền cao hơn giá niêm yết, gây bức xúc cho người dân.
Về vấn đề này, đại diện hệ thống siêu thị Mega Market và Co.op Mart cho biết, từng có hiện tượng một số người mua gom hàng trong siêu thị, mang ra ngoài bán qua mạng xã hội với giá cao bất hợp lý. Còn Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhận định, một số đối tượng lợi dụng giá rau củ quả, trứng gia cầm trong hệ thống cửa hàng bình ổn giá của thành phố bán rẻ, nên mua gom mang về bán lẻ giá cao để thu lời. Cùng với đó, quản lý thị trường cũng đã nắm bắt được việc một số cửa hàng tiện lợi bán hàng cao hơn giá niêm yết...
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ngăn chặn tình trạng nêu trên, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã công bố hai đường dây nóng gồm 028.39321014 và 028.39322491 để tiếp nhận thông tin từ người dân, từ đó kịp thời xử lý hiện tượng đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba thông tin, đến thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi phản ánh của người dân và đã kiểm tra, xử lý những thông tin này.
Nhằm ngăn chặn việc mua gom rồi tăng giá bán hàng thiết yếu, nhiều siêu thị đã hạn chế số lượng mua hàng của khách. Ví như, tại các siêu thị của hệ thống Mega Market và Co.op Mart, khách hàng chỉ được mua 20 quả trứng/ lần/ngày. Với rau, các nhân viên bán hàng nhắc người mua đủ dùng cho gia đình, dành phần còn lại cho những người mua sau. Về hiện tượng một số cửa hàng trong hệ thống Bách hóa Xanh bán hàng cao hơn giá niêm yết, các đội quản lý thị trường (Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh) đã kiểm tra và làm việc với 75/641 cửa hàng tại các quận, huyện gồm: 1, 3, 5, 7, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Qua làm việc, các đội quản lý thị trường đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời tuyên truyền quy định pháp luật về xử lý đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, hành vi găm hàng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, Sở đã phối hợp với các địa phương phía Nam và Bộ Công Thương khơi thông được nguồn hàng hóa thiết yếu, cung ứng đủ với mức giá ổn định cho người dân thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi gom, tích trữ hàng, tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.