Thành phố Huế cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Sáp nhập đơn vị hành chính mở ra một thời cơ phát triển chiến lược cho TP. Huế trên hành trình trở thành đô thị di sản tầm khu vực.

Sau khi sắp xếp lại, TP. Huế còn lại 40 đơn vị hành chính cấp xã. (Nguồn: VGP)

Sau khi sắp xếp lại, TP. Huế còn lại 40 đơn vị hành chính cấp xã. (Nguồn: VGP)

Kỷ nguyên mới từ quyết sách lịch sử

Ngày 30/6/2025, lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã đồng loạt diễn ra tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước – đánh dấu một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử hành chính Việt Nam hiện đại.

Với việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã), đất nước bước vào một giai đoạn cải cách hành chính quy mô lớn, toàn diện và sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một nền hành chính quản trị hiện đại, hiệu lực – hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/6. (Nguồn: VGP)

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/6. (Nguồn: VGP)

Phát biểu tại lễ công bố tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân”.

Quy trình sắp xếp không chỉ đơn thuần là điều chỉnh địa giới hay giảm số lượng đơn vị hành chính. Đây là sự thay đổi toàn diện từ thể chế đến tổ chức bộ máy, trong đó bao gồm cả việc thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể; tái cấu trúc đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời xử lý hài hòa các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm lý xã hội và lợi ích phát triển dài hạn. Từ Kết luận số 48-KL/TW đến các nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, 117/NQ-CP và 60-NQ/TW, chủ trương đã được cụ thể hóa bằng kế hoạch và hành động đồng bộ trên cả nước.

Đây là thời điểm thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chủ động của chính quyền các cấp và sự đồng thuận sâu sắc của người dân. Việc sáp nhập đơn vị hành chính, nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho mô hình quản trị công hiện đại, minh bạch, có khả năng phản ứng linh hoạt trước thách thức của thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Bước chuyển mình của một đô thị di sản

Trong tiến trình chung đó, TP. Huế là một trong những địa phương có bước chuyển mình đầy ấn tượng. Ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Ngọ Môn, “trái tim” của vùng đất Cố đô, Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức được công bố, đánh dấu sự kiện Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 1/1/2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 12/2024. (Nguồn: Nhân dân)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 12/2024. (Nguồn: Nhân dân)

Đây là cột mốc có ý nghĩa cả về chính trị, hành chính lẫn văn hóa – xã hội. Bởi TP. Huế không chỉ đơn thuần là trung tâm hành chính cấp tỉnh, mà còn là vùng đất hội tụ giá trị lịch sử, di sản, bản sắc dân tộc và tri thức khoa học – giáo dục đặc sắc. Từ lâu, Huế đã được nhìn nhận như một đô thị đặc biệt, có điều kiện và tiềm năng phát triển theo mô hình riêng biệt, mang tính biểu tượng và chiến lược quốc gia.

Tại lễ công bố Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “TP. Huế cần tổ chức lại bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc và giá trị đặc trưng. Mô hình đô thị trực thuộc Trung ương đòi hỏi hệ thống quản lý vận hành thông suốt, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hài hòa với di sản”.

Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng đồng nghĩa với việc Huế chính thức bước vào quỹ đạo phát triển mới, gắn với các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 54-NQ/TW (năm 2019): đến năm 2030 là trung tâm lớn, đặc sắc của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế, khoa học – công nghệ và giáo dục đào tạo chất lượng cao; đến năm 2045 là thành phố di sản tiêu biểu của khu vực và thế giới.

Động lực phát triển mới

Cũng trong ngày 30/6, TP. Huế tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1675/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, từ 133 xã, phường ban đầu, sau khi sắp xếp, toàn thành phố còn lại 40 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường và 19 xã). Đây không chỉ là sự tinh giản về mặt số lượng, mà còn là tái cấu trúc toàn diện hệ thống hành chính cơ sở, nơi gần dân và trực tiếp phục vụ nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định: “Đây là dấu mốc cải cách có ý nghĩa chiến lược, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều hành mà còn mở ra không gian phát triển mới. Sắp xếp hành chính là một cuộc cách mạng đổi mới thể chế, cần đi liền với ổn định tư tưởng và giữ vững sự đồng thuận xã hội”.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, TP. Huế còn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản Cố đô. (Nguồn: VGP)

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, TP. Huế còn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản Cố đô. (Nguồn: VGP)

Việc giảm đầu mối hành chính tạo điều kiện cho TP. Huế bố trí lại bộ máy, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ công và hệ sinh thái đô thị. Đây cũng là cơ hội để thành phố triển khai quy hoạch lại các vùng dân cư, hình thành các khu đô thị hiện đại gắn với bản sắc Cố đô.

Song hành cùng tiến trình đó là bài toán về nhân sự, tổ chức. TP. Huế cần sớm kiện toàn bộ máy các đơn vị hành chính mới, bố trí cán bộ phù hợp năng lực, giữ vững chất lượng phục vụ nhân dân và không để gián đoạn các hoạt động hành chính - xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm thấu đáo tới chế độ, chính sách, động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ chịu tác động từ quá trình sáp nhập.

Tái cấu trúc để vươn xa

Sáp nhập hành chính không làm phai nhạt bản sắc Huế mà ngược lại. Quyết sách này tạo điều kiện để thành phố phát huy trọn vẹn các giá trị văn hóa, con người và di sản trong bối cảnh phát triển rộng mở hơn. Việc tái cấu trúc không gian phát triển sẽ là đòn bẩy để Huế hình thành những khu vực chức năng mới: trung tâm công nghệ số, đô thị xanh, thành phố du lịch thông minh, trung tâm y tế và đào tạo chuyên sâu khu vực miền Trung.

Sự thay đổi về thể chế, mô hình quản lý sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế hiệu quả, vừa bảo tồn di sản bền vững. Huế cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, triển khai các dự án chiến lược gắn với bản sắc địa phương và xu thế công nghệ mới. Những lĩnh vực như du lịch di sản, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, công nghiệp văn hóa, giáo dục quốc tế… chính là tiềm năng lớn cần được khai thác đúng mức.

TP. Huế đang vươn mình mạnh mẽ trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện và đáng sống. (Nguồn: Lao động)

TP. Huế đang vươn mình mạnh mẽ trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện và đáng sống. (Nguồn: Lao động)

Để thành công, không thể thiếu vai trò của chính quyền các cấp trong việc tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, chuyển đổi số mạnh mẽ và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là sự đồng hành của người dân – những chủ thể kiến tạo nên hình hài và linh hồn của thành phố.

Từ một Cố đô với giá trị trường tồn, TP. Huế đang vươn mình mạnh mẽ trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện và đáng sống. Việc sáp nhập hành chính và chuyển đổi mô hình tổ chức không chỉ mở ra không gian phát triển rộng lớn, mà còn đặt Huế vào một vai trò mới – một cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, một thành phố kiểu mẫu trong công cuộc cải cách hành chính quốc gia.

Ngày 1/7, mô hình chính quyền hai cấp chính thức vận hành trên toàn quốc. Với Huế, đây là lời khẳng định rõ nét rằng: thành phố đã sẵn sàng cho một chương mới, với tâm thế chủ động, quyết liệt và khát vọng vươn tầm. Từ những nền tảng vững chắc về văn hóa và con người, cùng những quyết sách mang tính lịch sử, Huế đang chuyển mình để không chỉ giữ gìn bản sắc, mà còn viết tiếp câu chuyện phát triển đầy tự hào trong thời đại mới.

TS. Đặng Thanh Phú

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-pho-hue-cung-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-320642.html