Thành phố Huế 'xanh' lên mỗi ngày

ng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề môi trường, vì vậy Bác đã nhắc nhở mọi người phải trồng cây để cải tạo môi trường: 'Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người', hay 'Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân'. Trồng cây xanh giúp con người có bầu không khí trong lành để sống khỏe mạnh; cây xanh chống biến đổi khí hậu, làm đẹp đường phố.

Cây xanh ở thành phố Huế.

Cây xanh ở thành phố Huế.

Thời gian vừa qua, trong khi nhiều đô thị lớn như Hà Nội, thành phố (TP) Hồ Chí Minh… phải “đau đầu” với vấn đề ô nhiễm không khí, ở TP Huế không khí vẫn trong lành. Người dân an tâm bởi chất lượng không khí luôn ở mức tốt. Với hệ thống cây xanh dày đặc, vào tháng 6/2016, Huế là TP đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia”.

Người ta nói “trăm nghe không bằng một thấy” muốn biết “Thành phố xanh quốc gia” là như thế nào thì cứ đến đây! Quả không sai, TP Huế mang đến cho chúng tôi cơ hội khám phá đô thị nổi tiếng về mức độ sinh thái. Cảnh quan cây xanh của từng đường phố, công viên đều được chăm chút tỉ mỉ, đầy công phu. Màu xanh không chỉ đến từ các công viên mà các tuyến đường ở TP Huế dù đường lớn hay đường nhỏ đều rợp bóng cây xanh thoáng mát sạch sẽ. Đi dạo dưới đường phố Huế tôi có cảm giác không khí trong lành, xua tan vẻ ồn ào khói bụi. Giữa mùa nắng cháy của TP Huế, chúng tôi dạo bước ở Công viên Lý Tự Trọng, Công viên 3/2, Công viên Thương Bạc, Công viên Phú Xuân dọc bờ sông Hương rợp bóng cây xanh. Ngoài cây xanh, hoa cũng được trồng thêm tại các công viên để tạo cảnh quan, không gian công cộng cho người dân. Dưới bóng mát đó, dù nắng chói chang, nhiều người vẫn có thể thong thả tản bộ. Ngồi ở bờ sông Hương, hít thở khí trời trong lành, ngắm nhìn cầu Tràng Tiền, những cặp uyên ương dạo bước bên nhau, lũ trẻ nô đùa, những nhóm bạn, những gia đình vui chơi, tôi chợt hiểu hơn cụm từ mà nhiều người thường nói về “Thành phố xanh quốc gia”.

Cây xanh ở công viên Lý Tự Trọng, Huế.

Cây xanh ở công viên Lý Tự Trọng, Huế.

Chính cây xanh tạo nên một dấu ấn trong lòng du khách mỗi khi đến TP Huế. Hẳn những ai đến Huế sẽ không thể không ấn tượng với hệ thống cây xanh của TP tạo nên những nét đẹp thiên nhiên quyến rũ. Có những con đường cây xanh tỏa bóng mát cho người đi đường như Đường Ngô Quyền, Đường Phượng bay là tên gọi khác của đường Đoàn Thị Điểm đi vào ca khúc nổi tiếng Mưa hồng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “đường Phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau...,”. Người dân xứ Huế và những người yêu Huế đều cảm nhận được nét trữ tình riêng biệt của con đường này vào mùa hè sắc phượng đỏ bay ngập lối đi.

Nhưng tôi yêu nhất và ấn tượng nhất một con đường đã gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm thời sinh viên trong những năm tháng học ở Huế. Con đường mang tên vị anh hùng dân tộc – đường Lê Lợi. Nó rất đẹp bởi hai hàng cổ thụ mướt xanh, những tà áo trắng trinh nguyên của nữ sinh Quốc học và Hai Bà Trưng mỗi khi tan trường. Đặc biệt là hàng cây Long não cổ thụ hơn 100 tuổi được trồng dưới thời Pháp thuộc.

Người dân vui chơi tại công viên Lý Tự Trọng, Huế.

Người dân vui chơi tại công viên Lý Tự Trọng, Huế.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số của TP Huế ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí. Chính vì thế, TP Huế vẫn luôn chú trọng vào xanh hóa đô thị, xây dựng một TP xanh - sạch – sáng, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng TP theo định hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường". TP Huế đang nỗ lực giải quyết, kiểm soát ô nhiễm không khí bằng trách nhiệm chung của cả cộng đồng, giảm thiểu phát thải CO2. Đó là hệ thống cây xanh luôn được chăm sóc và trồng bổ sung đảm bảo độ che phủ cây xanh. TP Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, với hơn 64.000 cây xanh trên đường phố, công viên. Nhờ đó, tiêu chuẩn về không khí ở Huế luôn đảm bảo.

Từ hiệu quả của các chương trình “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Sắc hồng Cố đô”, cảnh quan TP Huế đã có những thay đổi tích cực, thay đổi diện mạo của đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm cho TP Huế “xanh” lên mỗi ngày. Đó cũng là cách giáo dục mọi người ý thức bảo vệ môi trường, tích cực làm xanh môi trường, góp phần “TP Huế xanh sạch đẹp văn minh”.

Cho đến hôm nay, TP Huế đã, đang và sẽ mãi mãi được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, sánh vai với các kỳ quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, trở thành di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc túy độc đáo của Việt Nam. Du khách đến TP Huế là đến với “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. TP Huế đang tồn tại và phát triển đúng nghĩa là di sản thế giới, “Thành phố Festival”, “Thành phố xanh quốc gia”.

Hiện tại, Thừa Thiên - Huế sẽ vươn cao vươn xa trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, quyết tâm sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương; xây dựng TP Huế trở thành lõi trung tâm của đô thị di sản đặc thù Thừa Thiên - Huế theo định hướng "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".

TP Huế nói chung và các đô thị khác nói riêng rất cần nhiều công trình xanh vì một trong những tiêu chí để đạt đô thị xanh là trồng nhiều cây xanh. Vì cây xanh có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của con người. Là nơi cung cấp nguồn ôxy cho sự sống và cây xanh cũng chính là nhân tố quan trọng tạo nên một cảnh quan thiên nhiên xanh - sạch - đẹp. Màu xanh tươi mát của cỏ cây luôn tạo được thiện cảm của con người. Nhất là khi trời nắng, cây xanh hạ nhiệt rất tuyệt vời, xua đi cái nóng gay gắt. Để rồi đi dọc những con đường, dưới những hàng cây xanh bóng mát, ngồi ở ghế đá nghỉ ngơi xua tan buồn phiền, những mệt mỏi của cuộc sống. Hay đi dạo ở công viên có nhiều cây lớn và cỏ xanh mướt là địa điểm tuyệt vời cho nhiều người trò chuyện tâm sự, dừng chân hay thư giãn tâm hồn và tạm quên đi những khó khăn trong đời thường đem lại một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc.

Người dân đi dạo tại công viên Thương Bạc, Huế.

Người dân đi dạo tại công viên Thương Bạc, Huế.

Với điều kiện thực tế đô thị Việt Nam hiện nay mỗi tuyến phố, mỗi con đường phải trồng nhiều cây xanh. Còn ở khu vực dân cư, tùy diện tích, mỗi gia đình đều có thể tạo được một mảng xanh nho nhỏ ở ban công, cổng, hàng rào, trên sân thượng bằng những giàn dây leo, cây cảnh… Mang thiên nhiên vào nhà cũng là cách giáo dục mọi người ý thức bảo vệ môi trường và đó là cách tích cực làm giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị.

Việc trồng cây, trồng rừng có vai trò hết sức quan trọng trước tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và chất lượng sống của người dân; cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, các hoạt động trồng cây xanh là hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm không khí nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và an toàn cho cộng đồng.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Hoàng Hữu Hóa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-hue-xanh-len-moi-ngay-360228.html