Thành phố mang tên Bác rộn ràng trong ngày Chiến thắng

Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tri ân các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, dân tộc.

Hội trường Thống nhất trong ngày lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Hội trường Thống nhất trong ngày lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Trong bối cảnh phải đảm bảo các yêu cầu y tế phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động được tổ chức đơn giản, thiết thực nhưng không kém phần trạng trọng, rộn ràng.

Ngay từ sáng sớm 30/4, tuyến đường Lê Duẩn, khu vực công viên 30/4 và trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất được trang hoàng rực rỡ với cờ đỏ sao vàng và băng rôn cổ động, đón các đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố; các cựu chiến binh trang nghiêm trong những bộ quân phục gắn huân, huy chương, đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố đến dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo các yêu cầu phòng dịch, lần đầu tiên Lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức trực tuyến với 47 điểm cầu; được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu người dân Thành phố và nhân dân cả nước. Dù vậy, buổi lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức trang trọng xứng đáng với ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện ngày chiến thắng cách đây 45 năm.

Buổi lễ kỷ niệm đã ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong 45 năm qua, cùng cả nước thực hiện đường lối đối mới, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và xây dựng đất nước hòa bình, phồn vinh, thịnh vượng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Đã trở thành thông lệ, mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4 hàng năm, Hội trường Thống Nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa điểm được nhiều người dân Thành phố và các địa phương, nhất là các cựu chiến binh lựa chọn làm điểm đến tham quan, để được sống lại những giây phút hào hùng của dân tộc trong những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 45 năm.

Hòa cùng niềm vui chung của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trong ngày kỷ niệm 30/4, bạn Nguyễn Thị Thu, cán bộ đoàn phường 2, Quận 10 hào hứng cho biết, thế hệ trẻ Thành phố hôm nay hạnh phúc khi được sinh sống, học tập, lao động trong hòa bình tại một thành phố có nền kinh tế, văn hóa phát triển cao là nhờ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp để người dân, giới trẻ thêm tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, tạo thêm động lực, niềm tin phấn đấu trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố.

Trong bộ quân phục chỉnh tề, bên chiếc xe tăng 390 từng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, ông Nguyễn Văn Nghiên, nguyên là Thượng sĩ, lái xe Trung đội 2, Đại đội 26, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 304 chở Bộ đội Trung đoàn 66 đánh chiếm Dinh Độc Lập bồi hồi nhớ lại không khí chiến đấu hào hùng cách đây 45 năm. “Tôi cảm thấy rất may mắn khi được tiến quân vào giải phóng Dinh Độc Lập. Sau khi chiếm được Dinh Độc Lập, người dân tập trung rất đông ở bên ngoài, tặng quà bánh, chúc mừng quân giải phóng với tình cảm yêu thương thắm thiết”, ông Nguyễn Văn Nghiên xúc động nhớ lại.

Một trong những du khách chờ tham quan Hội trường Thống Nhất trong ngày 30/4, anh Nguyễn Quang Sâm đến từ thành phố Hải Dương cho biết, gia đình anh đã sắp xếp từ rất lâu và chọn tham quan Hội trường Thống Nhất vào đúng ngày 30/4. Bởi đây là nơi ghi dấu đoàn quân giải phóng Việt Nam tiến thẳng vào khu đầu não, chỉ huy của quân Mỹ, ngụy làm nên chiến thắng vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với anh Sâm, chuyến thăm quan này không chỉ giúp các con anh hiểu thêm về truyền thống của các thế hệ cha anh và còn có cơ hội tương tác trực tiếp với các nhân vật, chứng nhân lịch sử để ngày nghỉ lễ trong dịp 30/4 thêm ý nghĩa.

Các nhân chứng lịch sử ôn lại thời khắc hào hùng ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Các nhân chứng lịch sử ôn lại thời khắc hào hùng ngày 30/4/1975. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng 30/4 năm nay, trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước chung sức "chiến đấu" với đại dịch COVID-19 với những thắng lợi bước đầu sau những ngày giãn cách xã hội và ngăn chặn được dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trong bối cảnh đó, lễ kỷ niệm được tổ chức với nhiều cách làm mới phù hợp hơn. Thành phố đã tổ chức tuyên truyền, cổ động về Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như chuyên mục, chuyên đề, chuyên trang phóng sự trên các phương tiện báo, đài; trang trí đường phố, treo pano, băng rôn tại khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, các cửa ngõ, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng, khu vực đông dân cư, học sinh, sinh viên, công nhân…

Những triển lãm hình ảnh không chỉ được tổ chức trực quan ở các tuyến đường lớn như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi... mà còn diễn ra trên các trang tin điện tử của sở ngành, quận huyện, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần 30/4 đến đông đảo người dân thành phố cũng như cả nước và bạn bè quốc tế. Thành phố cũng phát động cuộc thi tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, truyền thống của Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng Mùa Xuân năm 1975; in ấn, xuất bản phát hành rộng rãi các sách, bài viết về thành tựu của Thành phố trong 45 năm qua; tổ chức cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu hướng đến kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện trọng đại của dân tộc.

Có thể nói, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng luôn được tái hiện, thể hiện một cách sinh động, thiết thực. Trong không khí của các hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa hồi phục, phát triển kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới, nên giá trị của ngày Chiến thắng 30/4 càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Xuân Khu - Xuân Tình - Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thanh-pho-mang-ten-bac-ron-rang-trong-ngay-chien-thang-20200430135720804.htm