Thành phố miền biên
Lào Cai! Dễ có đến hơn hai chục năm nay rồi kể từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới, Trung chưa lên lại Lào Cai. Lào Cai đã hơn hai chục năm, kể từ ngày địa bàn này đã chuyển cấp từ Thị xã lên Thành phố, Nam đã xa nó...
- Pim pim...pim! Pim pim...pim!
Nhận được tín hiệu là tiếng còi nhịp ba, Nam vơ vội chiếc áo khoác rồi sải bước ra ngõ và nhận ra ngay chiếc Toyota đen bóng của Trung đã đậu ở ngay bên hè.
- Cám ơn Trung. Chào ông Thi, ông Sam, cô Quy, cô Lan!
Chui vào cửa sau xe, Nam vừa cất tiếng chào đã nhận được ngay lời đáp hoan hỉ của mọi người. Toàn là bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, nhưng có đến nửa năm nay, từ ngày về hưu, Nam chưa gặp lại.
- Bác Nam, bác vẫn mạnh khỏe chứ ạ?
- Cám ơn các cô, các chú! Tôi được cái ăn ngủ điều hòa, không bệnh tật gì nặng.
“Ta đi nhé!”. Cùng với câu nói, Trung cài số, chiếc ôtô giật cục rồi chuyển bánh. Trong xe khúc khích mấy tiếng cười con gái. Đúng là các cô trêu chọc tài lái xe của Trung. Trung, kỹ sư, bạn vong niên của Nam mới tậu xe, hồi đầu chỉ biết lái xe tiến về phía trước, không biết giật lui. Nay thì đã thành thạo. Còn hôm nay Trung chở mọi người đi Lào Cai - thành phố miền biên, cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Hoa. Đi Lào Cai vào dịp năm hết Tết đến hiển nhiên là có mục đích mua sắm rồi.
- Anh Trung ơi! Độ mấy giờ thì ta tới nơi, hả anh?
- Yên tâm đi! Đường cao tốc. Mười một giờ là tới nơi thôi. Từ đó thì tùy nghi di tản. Chợ Cốc Lếu hay chợ Việt Nam bên kia cầu Hồ Kiều nước bạn, các vị có bao tiền xin cứ xài thoải mái. Đúng ba giờ chiều, xin các vị dù mải mê mua bán đến đâu cũng phải nhớ trở về để xe đưa các vị mã hồi đấy!
- Nhất quả đất anh Trung rồi đấy!
- Trên cả tuyệt vời đấy, ông Trung à.
Người vừa nói là ông Sam. Ông Sam năm mươi tuổi, đeo kính cận, chèm chẹp miệng, tiếp:
- Tôi đi chuyến này chỉ có nguyện vọng là sắm một cái chăn điện. Nghe nói trên ấy giá rẻ chỉ bằng một nửa Hà Nội!
- Ông nghe ở đâu ra cái tin ấy đấy?
- Tôi nói là có cơ sở!
- Cơ sở!
Dài giọng đay lại câu nói của ông Sam là cô Quy. Cô Quy to béo xộ xệ có bà mẹ buôn hàng kim khí ở chợ Cửa Nam. Chuyến này hẳn nhiên là cô phải giúp mẹ tải một đống hàng hóa về rồi. Mọi người đều biết điều đó và bây giờ là lúc xúm lại hỏi cô về giá cả các mặt hàng.
Tất nhiên, hàng hóa ở cửa khẩu thông thương với nước bạn này, thượng vàng hạ cám cái gì cũng sẵn, nhưng vấn đề là phải biết giá cả, và khôn ngoan khi chọn hàng. Cô Lan theo dự định sẽ sắm một loạt giầy dép cho cả nhà; ngoài ra cô định mua mấy cái ba lô, cặp sách cho hai đứa con. Còn ông Thi không nói ra ai cũng biết, mục đích chuyến đi là kiếm mấy cân tam thất và táo tầu cho bà vợ bị thấp khớp nặng, ngoài ra là nấm linh chi cho bản thân. Mấy món này ở Hà Nội không hiểu sao trong vòng tháng nay giá bỗng vọt lên gấp hai lần.
- Thế anh Trung định mua những gì?
Nghe cô Lan xinh xắn hỏi, nhè nhẹ xoay vòng tay lái, Trung nháy mắt, liếc ngang:
- Em mua cái gì thì anh mua theo một cái y như thế!
Rộ lên một tràng cười. Trung ngoái lại sau:
- Tôi nói thế là khôn đấy các vị ạ.
Cô Quy gật gật đầu:
- Chứ còn gì! Để mấy lão đàn ông đi chợ, vác đồ rởm về, bằng biếu không tiền cho bọn con buôn. Xin lỗi các vị, trên đó hàng rởm, hàng nhái cũng đủ loại. Dân Tàu nổi tiếng thế giới về tài bắt chước thiên hạ đấy ạ. Ông bác tôi đi Mỹ về cho mẹ tôi một cái kính nói là hàng Mỹ chính cống. Mở ra thì cha mẹ ơi, Made in China!
- Nói đùa thôi, bà xã tôi dặn, lần này thế nào cũng phải mua cho bà một cái quạt hơi nước và một cái bàn là du lịch. Còn tôi ấy à? Thế nào thì cũng phải xách mấy cân lợn cắp nách và vài lít rượu đặc sản Lào Cai về làm quà biếu ông thông gia.
Trung nói. Cô Lan nhìn sang ngang:
- Thế còn bác Thi, bác có định mua điều hòa không khí không?
- Thằng con tôi nó vừa mua ở Hội chợ Giảng Võ rồi!
- Thế còn bác Nam?
Từ lúc lên xe, Nam như người ngoài cuộc. Giờ được nhắc đến tên, Nam bỗng thấy lúng túng thế nào. Lúng túng vì ý định về chuyến đi còn đang trong trạng thái mu mơ mập mờ. Về hưu mới nửa năm, dự định ở hết năm, thu xếp xong mọi việc sẽ về quê ở cùng vợ con. Việc sắm sửa đồ gia dụng từ lâu đã có bà vợ rất đảm lo toan.
Và chuyến đi này thật sự là kết quả của một dự định không dính dáng gì đến việc mua bán, sắm sửa đồ dùng vật dụng như mọi người. Không có cái háo hức, cái chí thú tiêu pha, sắm sửa trong chuyến đi này. Nhưng nó là cái gì đây thì không định danh được. Như cái kiểu không đi thì nhớ mà không hiểu là nhớ cái gì. Tuy vậy Nam cũng vẫn có cái bồn chồn chỉ mong chiếc Toyota của Nam tăng tốc tới ngay Lào Cai trong chốc lát!
Lào Cai! Dễ có đến hơn hai chục năm nay rồi kể từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới, Trung chưa lên lại Lào Cai.
Lào Cai đã hơn hai chục năm, kể từ ngày địa bàn này đã chuyển cấp từ Thị xã lên Thành phố, Nam đã xa nó.
*
Cuối cùng thì sau một chặng đường dài, Lào Cai đã hiện ra trước mắt Nam! Buổi trưa một ngày cuối đông, xe dừng lại trên đỉnh một con dốc để mọi người xuống xe thư giãn tí chút. Thu vào tầm mắt toàn cảnh cái thành phố miền biên thân thương nọ, con tim Nam đập rộn lên vì bồi hồi. Không thể nhận ra được nó nữa rồi.
Lào Cai, nơi ba mẹ Nam từ miền xuôi lên lập nghiệp, nơi Nam đã sinh ra lớn lên, trở thành một tay súng trong những ngày chiến tranh biên giới rồi sau đó trở về đời thường thì xa nó cho đến giờ. Lào Cai, cái thị trấn miền biên viễn xa tít trong cõi nhớ của Nam dạo ấy chỉ là hai khu phố đìu hiu ở hai bên con sông Hồng nơi thượng nguồn.
“Ai đưa tôi đến chốn này. Bên kia Cốc Lếu bên này Lào Cai”. Ai đã sống ở đây thì chẳng thể nào quên được hai câu ca dao tỏa ra nỗi hắt hiu xa vắng ấy. Cái nỗi hắt hiu xa vắng ấy có nhẽ đã sinh ra từ thời người Pháp mở con đường sắt từ miền xuôi lên.
“Độc thay lam chướng nghìn trùng. Sông sâu quẳng xác, hang cùng chất xương”. Nên có cảm tưởng vào các buổi chiều chuyến tàu của Công ty Xe lửa Việt - Điền kéo theo chỉ có hai toa khách khởi hành từ Hà Nội sau cả một ngày dài thui thủi len lách qua các miền núi đồi hoang vắng, hớn hở rúc lên một hồi còi, xình xịch tiến vào cái sân ga cuối cùng của miền địa đầu đất nước thì cái thị trấn ấy mới như sống dậy. Lào Cai nơi hợp quần của đoàn người tứ xứ.
Những người nông dân Thanh Trì mất đất vì bờ sông sạt lở. Những bà con ở Thái Bình, Nam Định cực chẳng đã phải rời bỏ chốn quê bờ xôi ruộng mật vì áp bức của địa chủ, vì sưu cao thuế nặng. Nơi quần cư của các tay anh chị lục lâm thảo khấu trốn tránh vòng lưới của các nhà chức tránh. Mấy viên cai đội vài chục anh lính khố xanh hết hạn đồn trú.
Lào Cai, Thế Lữ đã viết truyện “Bóng người trắng trong sương mù”, kể lại câu chuyện bóng ma một người thân hiện lên báo hiệu cho một đoàn tàu dừng lại trước cây cầu vừa sụp đổ, tránh được một tai họa khủng khiếp nhãn tiền. Đó là cây cầu Hồ Kiều bắc ngang qua con sông Đầm Thi sang tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Nghe nói, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bản tình ca bất hủ “Bên cầu biên giới” khi ngồi ở bên chiếc cầu miền biên này. Cạnh chân cầu là đền Mẫu có cây si tỏa xanh um, ở đó có một sư cô má lúm đồng tiền tên Hà dập dìu lữ khách bốn phương tới hương khói.
Còn một thiên tài âm nhạc khác nữa là Văn Cao trong vai một tình báo viên lưng giắt khẩu revolver, đã mở quán Biên Cương ở ngay đầu chiếc cầu sắt sơn đen nối từ khu phố bên này qua dòng sông Hồng bên kia là phố Cốc Lếu. Lào Cai san sát các hiệu thuốc bắc của các chú khách đã định cư hàng ba bốn đời trên đất Việt.
Cốc Lếu nơi buôn bán chủ yếu là người Kinh. Ở đây có món Phở Cuốn sủi, một chế phẩm đặc sắc thực khách thập phương không thể bỏ qua. Cuối cái phố đổ dốc ấy có hai cây gạo. Tiếng Giáy, cây gạo gọi là Cốc réo. Có lẽ đó là xuất xứ của cái tên Cốc Lếu nghe hơi lạ tai. Một đêm mùa đông trong ánh trăng lu năm 1952 xa tít, ở chính hai gốc gạo ấy, nhạc sĩ Ngọc Quang bạn Nam ôm cây ghi ta gỗ hát giọng bariton các bài “Thiên thai”, “Cô láng giềng”… cho các thương binh của Trung đoàn 246 nghe sau một cuộc hành quân đi tiễu trừ thổ phỉ ở Bắc Hà, Sa Pa về.
Lào Cai, cái thành phố ghi bao kỷ niệm của Nam thật ra cũng đã chẳng còn lại gì sau cuộc chiến tranh biên giới. Một ngày sương còn chưa tan tháng 2 năm 1979, quân xâm lăng đã nổ súng vượt qua biên giới. Một năm sau Nam trong vai một chiến sĩ và một phóng viên cùng đoàn quân giải phóng trở về thì cả thị trấn đã biến thành một khu rừng hoang, nơi ở của cầy cáo.
Bây giờ thì tất cả lịch sử và quá khứ đã trôi dạt về sau, chẳng còn lại một dấu vết một bóng hình. Cả cái hắt hiu cố hữu trước chiến tranh. Cả cái hoang tàn sau chiến tranh. Thậm chí có cảm giác nó còn bị cố tình nhãng quên. Chả còn bóng dáng xưa cũ gì nữa. Chiến tranh tàn phá thật nhanh những gì đã chắt chiu xây đắp.
Mà hòa bình xây dựng phản ánh khát vọng sinh tồn của con người xem ra tốc độ cũng chẳng kém. Bắc qua con sông Hồng nay đã thêm một cây cầu đường bệ nữa từ Kim Tân sang Vạn Hòa. Cầu Hồ Kiều đã bắc lại với hai làn ôtô đi lại ở giữa là giải đường sắt chạy lên Côn Minh. Bên này cầu đã trở thành một ảnh hình ngưng đọng trong óc Nam là một dãy xe tải siêu trường siêu trọng nối đuôi xuất khẩu dưa hấu miền Nam và chuối tiêu miền Bắc. Trải ra bát ngát hai bên bờ con sông là những khu phố nhà cửa chen chúc như một cánh rừng. Thành phố miền biên trong nhịp sống ồn ã vô tư gợi cảm giác như là không có ký ức nhưng xem ra còn sầm uất và tỏa ra sức hấp dẫn hơn rất nhiều những thành phố ở đồng bằng.
Quả nhiên vừa nhìn thấy thành phố qua cửa kính ôtô, mọi người đã háo hức nhấp nhổm. Và khi chiếc Toyota vừa đậu nép vào vỉa hè, mọi người đã như chen nhau lịch bịch nhẩy xuống đất.
- Ông ngắm cái gì thế?
Thấy Nam hơi có vẻ ngơ ngác, Trung vừa lau tay vừa cất tiếng. Nam nhìn quanh:
- Chẳng nhận ra gì cả. Chỗ này trước là thư viện. Dưới kia là vùng đất bãi trồng rau của hợp tác xã. Dưới nữa là con sông. Mùa hè tôi thường xuống đó bơi lội. Năm 1968 có một trận lũ, ngập chìm cả thư viện, bao nhiêu sách hư nát hết. May là tôi đã đọc được gần hết cả.
- Sống có nhiều kỷ niệm cũng thích nhỉ!
- Tôi sống ở đây gần hai mươi năm mà.
- Thế ông định đi đâu bây giờ? - Trung hỏi.
Nam đáp lơ lửng:
- À, thì cũng phải dạo loanh quanh xem cảnh cũ người xưa còn gì quen không.
- À này, ở đây có rượu Sán Lùng và gạo Sán Cù đặc sản đấy. Bác cũng nên đảo qua mấy cái chợ gần đây mua về một ít. Hàng hóa ở đây dễ mua lắm.
- Ừ đi nhé!
- Ok! Có gì liên lạc với nhau bằng điện thoại di động!
Nam giơ tay chào Trung rồi bước lên vỉa hè. Non trưa, nắng mùa đông le lói, gió hiu hiu. Phố xá nườm nượp người đi lại. Cửa hàng san sát cửa hàng. Hàng hóa tràn ngập, lấn ra cả vỉa hè. Dừng lại ở giữa một con phố, Nam đưa mắt nhìn quanh. Chỗ này trước có căn hộ của anh, ngược lên hơn trăm mét là tòa soạn báo, cơ quan thân yêu của anh. Bên trái con phố có căn nhà của anh là một khu chợ. Nay nhìn đâu cũng thấy những con đường, ngõ phố mới san sát những tòa nhà nhiều tầng, các cửa hàng cửa hiệu, những tiệm vàng, shop thời trang, quán ăn. Hoàng Liên. Nhạc Sơn. Kim Tân …Ngước lên nhìn các tấm biển chỉ đường, Nam khẽ reo thầm. À, thì ra vẫn còn lại những cái tên. Những cái tên chỉ cần nhắc đến là đã hình dung ra cảnh trí cuộc sống những ngày đã xa.
Nắng đã lên, vàng ánh mà lành lạnh. Bên đường, những khóm anh đào nở hoa đỏ chót, lích chích mấy tiếng chim sẻ. Vui chân bước, Nam không hiểu đi được bao lâu, đến khi nghe thấy tiếng một chiếc đại xa gầm, vội dừng lại nhìn thấy nó đang hất cái thùng xe lên để xả rác, Nam mới nhận ra hình như mình đã mất phương hướng. Cảm giác mất phương hướng khiến Nam chạy vội tới, leo lên bậc chiếc đại xa khi nó vừa xả rác xong: “Anh ơi! Phố Bùi Nguyên Khiết đi lối nào?”. Không nghe thấy, người lái xe nói. Chỉ thấy anh ta xua xua tay, rồi ra hiệu bằng bàn tay chỉ về chiều ngược lại đoạn đường Nam vừa đi.
Nắng đã tròn bóng, Nam đi xuôi theo con dốc. Qua ngã tư thứ nhất, tới ngã tư thứ hai thì đường bị nghẽn. Thì ra hôm nay có đoàn khách quốc tế lên thăm thành phố. Ngã tư này bị ngăn vì đó là đường dẫn tới trụ sở UBND thành phố. Vòng qua hai ngõ phố nữa, cũng phải hai mươi phút sau thấy một ông lão mặc cái áo dạ tím, đội mũ bông đeo huy hiệu cựu chiến binh đang ngồi bán vé số bên lề đường, anh liền bước đến mua một cặp vé để lấy cớ hỏi thăm ông.
- Anh hỏi phố Bùi Nguyên Khiết nhiều người không biết đâu. Nó là con phố mới có, dáng chừng lâu rồi anh mới lên thành phố này, hả?
- Vâng!
- Thành phố Lào Cai này ra đời trên cơ sở hợp lại hai thị xã là Lào Cai và Cam Đường. Hai thị xã này vốn chỉ nằm cách nhau bảy ki lô mét theo đường chim bay. Giờ nó có đến 17 đơn vị hành chính trực thuộc. Trong đó có 12 phường chắc một số anh đã biết: Lào Cai, Phố Mới, Duyên Hải, Cốc Lếu, Kim Tân, Pom Hán, Bắc Lệnh, Thống Nhất, Xuân Tăng, Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh và 5 xã Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cam Đường, Tả Phời và Hợp Thành. Hẳn là có nhiều tên phố anh đã biết.
- Vâng.
- Còn anh muốn đến phố Bùi Nguyên Khiết thì tôi có cái sơ đồ cho anh đây! Đây này, anh biết Đài truyền hình tỉnh, Bệnh viện tỉnh rồi chứ? Đó đó… anh nhìn bản vẽ này rồi theo đó mà đi. Thế anh quan hệ thế nào với liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết? Bạn à? Hay chỉ là người dưng tò mò?
*
Chuông điện thoại di động trong túi áo Nam bỗng nổi nhạc hiệu. Pim pim pim! Pim pim pim! Ba tiếng đồng hồ trôi qua đánh vèo. Biết là Nam đang không tìm được đường về nơi hẹn, chiếc Toyota của Trung cuối cùng đành phải chủ động mò đường đi tìm và hai mươi phút sau, Nam đã mở được cửa xe lách vào, miệng liên tục nói lời xin lỗi các bạn đồng hành.
Ba giờ ba mươi phút chiều. Chiếc Toyota tăng tốc. Ổn định chỗ ngồi, đưa mắt nhìn quanh, Nam nhận ra, khác hẳn lúc xe đi, giờ lòng xe đã đầy phè chật ních những bao bì bọc to gói nhỏ. Sàn xe không còn một kẽ hở. Ông Sam ngồi ôm cái chăn điện trước bụng. Ông Thi đeo một cái túi thổ cẩm căng phồng. Cô Lan khư khư trên đùi một cái nồi lẩu cỡ đại. Chất ngất ở khoang sau xe là đám xoong nồi, đồ điện tử cùng chủ nhân của nó là cô Quy.
Trung đánh tay lái quẹo trái, liếc sang Nam.
- Thế ông vừa ở nhà ai ra đấy?
- Nhà ai đâu.
- Thế đến cái phố ấy làm gì. Mà phố ấy tên gì?
- Bùi Nguyên Khiết.
- Tên lạ nhỉ?
- Anh ấy là liệt sĩ thời kỳ chiến tranh biên giới và là nhà văn, bạn tôi.
- Cái gì! Bạn ông? Liệt sĩ lại là nhà văn nữa?
Đang ồn ào tiếng người này khoe mua được món hàng nọ giá rẻ, tiếng kẻ kia chê mua phải thứ hàng kia quá đắt, nghe Nam nói, lập tức mọi người trên xe đều im bặt. Nam có cảm giác tất cả đều quay về phía anh với ánh mắt hoài nghi không cần che giấu. “Anh Nam, anh có người bạn là nhà văn và là liệt sĩ trong chiến tranh biên giới hồi năm 1979 à?”. “Anh Nam. Anh có được vinh dự ấy cơ à?”.
Rõ ràng là như vậy rồi. Vì có lúc chính Nam đã bàng hoàng nghĩ vậy. Nhưng nghĩ vậy có lẽ vì mọi người không biết câu nói này của Albert Einstein: “Thiên tài là người hàng xóm của mình!”. Thế đó! Bùi Nguyên Khiết chính là bạn Nam. Là một người thầy giáo đã có thời cùng dạy một trường với Nam. Rồi sau đó là mấy năm liền ở cùng một tòa báo tỉnh với anh. Ở đây Khiết nổi tiếng là nhà báo, nhà văn xuất sắc với những bài viết nảy lửa tố cáo kẻ gây ra những vụ rối ren ở biên giới! Lê Lai, Lê Lợi, Phan Bội Châu… những tên tuổi gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc nay là tên các phố phường của thành phố này chắc chắn là không ai còn lạ. Nhưng còn những Kim Tân, Trần Hợp, Duyên Hải… tên các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và bây giờ là Bùi Nguyên Khiết, thêm một chiến sĩ nữa đã ngã xuống trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc này thì chắc gì mọi người đều đã biết. Miền phên dậu của Tổ quốc này, đất nước này hàng năm như một tất yếu của lịch sử luôn có thêm những anh hùng, những danh nhân.
Khiết nhà báo, nhà văn bạn Nam đã bắn đến viên đạn cuối cùng ở cao điểm Pao Mao Chải huyện Mường Khương khi quân xâm lược tràn sang buổi sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979 sương mù ấy. Khiết với cây bút chiến đấu và cái chết anh hùng vẫn còn lại với miền đất này và bây giờ thì Lào Cai dù vật đổi sao dời thế nào thì mãi mãi cũng chẳng còn xa cách với Nam.
Ngẫm nghĩ vậy, nhưng đến lúc xe chạy nước mã hồi trở về Hà Nội đã được nửa chặng đường, Nam mới quay lại với Trung, thủ thà thủ thỉ như tâm sự những điều thầm kín:
- Khiết là bạn thân của tôi, ông Trung ạ. Dạo mới từ Xích Thổ, Ninh Bình lên, Khiết dạy học ở Bảo Nhai. Nhiều lần Khiết cùng tôi ngược dòng sông Chảy lên các bản người Dao; ở đó, lợn rừng đêm đêm hay đến dũi sắn trộm. Súng trên vai, đèn ló trên đầu, Khiết đi trước, tôi đi sau. Đêm trong rừng, mắt con nhện ăn đèn đỏ chóe. Cũng như thế, chúng tôi đã lần mò vào các làng người Kinh lên khai hoang ở đó, ngồi bên bếp lửa, cùng rợn tóc gáy nghe bà con kể lại những chuyện về con hổ thọt, về con lợn độc, về loài rắn có tính báo oán.
Rồi Khiết được tín nhiệm chuyển về dạy học ở Sa Pa. Một múi dù xanh quấn cổ, một chiếc áo bông bạc màu, Khiết trẻ trai hồng hào giữa đất trời lộng gió nắng huyền ảo dẫn tôi đi thăm thú hết Đài Vật lý địa cầu lại Trại bò sữa, Trại rau, Trại hoa. Anh quen thân với các kỹ sư vật lý, nông nghiệp, các cô trồng hoa, trồng cây thuốc. Đứng trong những vườn đào vườn lê đầy không khí trang trại, Khiết chỉ cho tôi ngọn Phanxipăng giống như ba cái kích khổng lồ chống trời. Năm Khiết ngã xuống trên chốt chống quân xâm lược, Khiết mới hăm tư tuổi. Đầu năm đó có lần Khiết bảo tôi: “Tôi cùng tuổi với Anh Nguyễn Văn Trỗi mà chưa làm được gì cho đất nước anh ạ”. Tôi nhớ nhiều kỷ niệm với Khiết lắm, Trung à”.
Nghe tiếng thì thầm tâm sự của Nam với Trung, mọi người trong xe đang gà gật lần lần tỉnh ngủ. Bị cả một đống đồ hàng đè lên người, cô Quy cười khành khạch: “Rõ là không tiền muốn mua cả chợ, không vợ muốn ngủ với cả làng. Giờ khuân vác về nhà thế nào đây - Rồi nhìn lên Trung và Nam, cô cười như pháo nổ - Chỉ buồn cười cho bác Nam nhà tôi, đi mấy trăm cây số lên chẳng mua bán gì, chỉ cốt thăm một ông bạn chỉ còn mỗi cái tên!”.
Nghe vậy mọi người cùng cười ồ ồ. Cô Quy nói nghe ngộ ghê, nhưng mà đúng quá. Thì ra, không phải chỉ có Trung nghe Nam thủ thỉ. Tất cả mọi người đều im lặng, tưởng là ngủ mà thật tình lúc ấy tất cả đều thức, thức để nghe Nam. Nghe trong xúc động bồi hồi cùng Nam. Nam đang nhớ về một người bạn, một người anh hùng và những ngày đã qua. Đã qua mà Nam không sao có thể quên được!
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/thanh-pho-mien-bien-578078/