Thành phố Mỏ bứt phá nhờ giao thông hiện đại
Được mệnh danh là thành phố Mỏ của Quảng Ninh, những năm qua, từ các nguồn lực, TP Cẩm Phả đã đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối chặt chẽ với các địa phương khác trong tỉnh.
Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ
Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững
Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường
Bài 3: Thủy Nguyên - thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá
Bài 4: Những công trình giao thông trọng điểm giúp Quảng Ninh "cất cánh"
Hiệu quả tuyến đường bao biển kết nối di sản
TP Cẩm Phả là trung tâm công nghiệp khai thác khoáng sản của Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói trung. Những năm qua, địa phương này có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về kinh tế - xã hội cũng như củng cố quốc phòng - an ninh.
Có được kết quả đó là sự năng động, sáng tạo của địa phương trong triển khai các dự án, công trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương khác là một trong những ưu tiên hàng đầu mà TP Cẩm Phả thực hiện trong thời gian qua.
Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả là minh chứng cụ thể, sinh động về việc đầu tư kết nối TP Cẩm Phả với những địa phương phụ cận. Dự án này giai đoạn 1 hoàn thành 4 làn xe, đưa vào khai thác đầu năm 2022. Giai đoạn 2 của dự án được đầu tư bổ sung thêm 2 làn xe ngoài cùng của tuyến, chiều rộng làn đường mở rộng mỗi bên 3,75m (không bao gồm rãnh tam giác), đảm bảo quy mô tuyến đường 6 làn xe. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP Hạ Long dài 8,1km, tổng mức đầu tư 321,3 tỷ đồng; đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả có chiều dài 10,6km, tổng mức đầu tư: 524,9 tỷ đồng.
Dự án đường bao biển được hoàn thành vào ngày 30/4/2023, cùng với tuyến đường Trần Quốc Nghiễn đã trở thành trục cảnh quan đồng bộ 6 làn xe kéo dài từ cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long) đến trung tâm TP Cẩm Phả dài hơn 30km.
Tuyến đường đóng vai trò tăng thêm kết nối 2 di sản vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới và vịnh Bái Tử Long - Di sản ASEAN, tạo bước đột phá về không gian phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt của tỉnh Quảng Ninh, gắn với bảo tồn, di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long với hệ thống rừng ngập mặn, núi đá vôi đặc sắc 2 bên đường...
Đánh giá về hiệu quả tuyến đường này, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được đầu tư làm 2 giai đoạn với tổng vốn gần 2.200 tỷ đồng có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuyến đường bao biển vừa mang tính chất đảm bảo nhu cầu giao thông, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng của tỉnh Quảng Ninh; đáp ứng nhu cầu vận tải nội vùng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ có năng lực lớn, an toàn, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của tỉnh.
Dự án đã đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng lớn của nhân dân, du khách; làm tăng tính hấp dẫn, ấn tượng đẹp đối với khách du lịch khi đến các điểm tham quan, du lịch nghỉ dưỡng...
Tiếp tục nâng tầm vai trò kết nối của thành phố Mỏ
Mặc dù, kết cấu hạ tầng giao thông ở TP Cẩm Phả đã được đầu tư tạo kết nối với các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình giao thông đã đầu tư từ lâu, nên đã xuống cấp lại nhỏ, hẹp, nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vị trí cửa ngõ của trung tâm tỉnh Quảng Ninh với khu vực miền Đông. Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh và TP Cẩm Phả đã và đang dành nhiều nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.
Đơn cử như tuyến quốc lộ 279 nối dài từ TP Hạ Long sang TP Cẩm Phả đang được khẩn trương đầu tư nâng cấp. Đoạn quốc lộ 279 này kéo dài từ xã Vũ Oai, TP Hạ Long đấu nối với quốc lộ 18 ở phường Quanh Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) được khởi công vào trung tuần tháng 9/2010.
Tuyến đường dài 13,9km, đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, có bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 7m, trọng tải thiết kế 12 tấn. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 286 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng đầu năm 2013.
Từ khi đi vào sử dụng, đoạn quốc lộ 279 này trở thành trục đường huyết mạch kết nối TP Hạ Long và TP Cẩm Phả nói riêng, khu vực miền Đông và miền Tây nói chung của tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào sử dụng, đoạn quốc lộ 279 nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả đã xuất hiện nhiều bất cập do tuyến đường vắt qua đoạn đồi dốc cao với nhiều vực sâu, làn đường ở phía TP Cẩm Phả quá hẹp, có dải phân cách cứng ở giữa, nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Từ thực tiễn nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư nâng cấp đoạn quốc lộ 279 từ TP Hạ Long sang TP Cẩm Phả. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.842 tỷ đồng, tiêu chuẩn đạt cấp III miền núi, dài 8,6km, rộng 33m gồm 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80km/h. Điểm đầu nối với quốc lộ 18 ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, điểm cuối nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Khi đi vào sử dụng, tuyến đường sẽ góp phần phát huy tiềm năng đất đai khu vực phía Bắc TP Hạ Long và TP Cẩm Phả.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả, cho biết: Hiện chính quyền địa phương đang đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu triển khai đúng tiến độ...
Cùng với đó, hiện nay, TP Cẩm Phả đang triển khai dự án đường nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả từ đường Vũng Đục tại phường Cẩm Đông sang phường Cẩm Tây. Dự án dài trên 1,2km, rộng 39m, quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 50km/h cùng nhiều công trình phụ trợ có tổng đầu tư gần 480 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí xây dựng trên 312 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng trên 106 tỷ đồng… Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.
Theo thông tin từ Ban QLDA đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả, cùng với những công trình giao thông trọng điểm, địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp những tuyến đường trục chính ở trung tâm thành phố, các xã vùng nông thôn, miền núi. Qua đó không chỉ tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn khẳng định vai trò là cầu nối quan trọng của trung tâm tỉnh Quảng Ninh với khu vực miền Đông...